Thị trường dầu khí: Khủng hoảng & lạc quan
Thế giới nói chung, nhất là châu Âu, đã phải trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng trong năm 2021. Có rất nhiều yếu tố thúc đẩy giá khí đốt ở châu Âu tăng cao. Tuy nhiên, vẫn có nhiều dự báo lạc quan về thị trường dầu khí năm 2022.

Giá dầu dự kiến sẽ tăng mạnh trong các năm 2022 và 2023

Nguyên nhân khủng hoảng

Năm 2021, khủng hoảng bao trùm các ngành than, khí, điện ở châu Âu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá khí đốt tại châu Âu phá vỡ mọi kỷ lục trước đó.

Đầu tiên, giá khí tăng do liên quan đến cung - cầu và nguồn dự trữ tại nhiều nước trên thế giới, trong khi nguồn năng lượng tái tạo không được bổ sung kịp thời.

Thứ hai, sau một thời gian dài gián đoạn vì đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới đột ngột hồi sinh mạnh mẽ, dẫn đến tình trạng tăng mức tiêu thụ năng lượng nhiều hơn so với năm 2020. Trong khi đó, một số nguồn cung gặp khó khăn. Ví dụ, tại Mỹ, quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, sản lượng bị giảm, chưa thể hồi phục sau trận bão Ida tràn qua vịnh Mexico.

Sau cùng là nguồn dự trữ khí tại châu Âu tương đối thấp do phải trải qua một mùa đông 2020-2021 dài và lạnh. Cuộc khủng hoảng khí đốt trong năm 2021 cho thấy việc dự trữ ngày càng vô cùng quan trọng. Châu Âu đang nhận ra điều đó.

Châu Âu, trong “cơn khát” năng lượng, đã nghi ngờ Nga kìm hãm nguồn cung làm kịch phát tăng giá khí đốt trên thị trường. Trước những chỉ trích này, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, các nước châu Âu đã có những tính toán sai lầm khi giảm bớt một phần trong hợp đồng dài hạn về khí đốt tự nhiên và ưu tiên mua nhiên liệu trên thị trường ngắn hạn (giao ngay) khi giá cả đã tăng vọt.

Vậy nhưng EU đang có kế hoạch về thời hạn kết thúc các hợp đồng nhập khẩu khí đốt tự nhiên dài hạn như một phần của sự chuyển dịch năng lượng của mình - hãng Bloomberg đưa tin. Theo Bloomberg, EU muốn ngăn chặn các hợp đồng như vậy được gia hạn sau năm 2049 như một phần của cuộc “đại tu” các thị trường năng lượng.

Trong bối cảnh đó, châu Á cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Giá LNG đang tăng ở châu Á do bị châu Âu hút hàng. “Lục địa già” đang cố gắng lấy nguồn cung từ thị trường châu Á, nơi giá đang tăng, nhưng vẫn rẻ hơn ở châu Âu. Tính đến ngày 22-12-2021, giá LNG tại châu Á tăng 20% do các thương nhân châu Âu tích cực tìm nguồn cung. Tại Trung Quốc, tình trạng cắt điện do thiếu than, khí diễn ra triền miên, đe dọa nền kinh tế.

Châu Mỹ cũng không thoát khỏi tình trạng đó. Mỹ đang chịu cảnh giá nhiên liệu tăng cao, khiến lạm phát tăng vọt. Giá xăng dầu tại Mỹ đã tăng hơn 60% trong năm 2021. Để hạ giá nhiên liệu, chính quyền Tổng thống Joe Biden phải cùng Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc đồng loạt giải phóng kho dự trữ dầu thô chiến lược.

Giá khí tăng do liên quan đến cung - cầu và nguồn dự trữ tại nhiều nước trên thế giới

Dự báo lạc quan

Liên quan đến dự báo nhu cầu và giá dầu trong năm 2022, có nhiều nhận định khác nhau.

Theo Goldman Sach, nhờ nhu cầu tăng cao, giá dầu dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm 2022 và 2023 do nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng lên bất chấp quá trình chuyển đổi năng lượng hay sự xuất hiện của biến thể Covid-19 mới cuối năm 2021 đã làm dấy lên lo ngại về nhu cầu tiếp tục giảm do dịch bệnh bùng phát trở lại. Nhưng, dường như điều đó không có tác động đáng kể. Do đó, các ngân hàng Mỹ vẫn dự báo nhu cầu sẽ tăng lên.

Goldman Sachs cũng lưu ý rằng, “cơn sốt” đối với các phương thức vận tải bằng điện đã tác động không nhiều đến nhu cầu dầu toàn cầu. 6 triệu xe điện chỉ có tác dụng giảm tiêu thụ 100.000 thùng dầu mỗi ngày. Do đó, nhu cầu dầu sẽ tiếp tục tăng trong vài năm nữa. Giá dầu sẽ đạt mức lịch sử trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2023. Thậm chí, không có sự sụt giảm đáng kể nào được dự đoán trước khi kết thúc thập niên này. Báo cáo của Goldman Sachs trấn an các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh - những nước đang lo ngại nhu cầu sẽ tiếp tục sụp đổ.

Trong báo cáo tháng 12-2021, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) viết rằng: Sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối tháng 11-2021 đã gây ra một đợt bán tháo mạnh mẽ đối với dầu. Nhưng sự bi quan ban đầu giờ đây đã nhường chỗ cho một phản ứng có tính đo lường hơn. Sự gia tăng các biến thể mới của Covid-19 sẽ tạm thời làm chậm lại sự phục hồi của nhu cầu về dầu, nhưng không làm rối loạn sự phục hồi này. Các biện pháp ngăn chặn mới được áp dụng để hạn chế sự lây lan của virus có tác động vừa phải hơn đến nền kinh tế so với các đợt bùng phát trước đây, đặc biệt là do các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin rộng lớn, hiệu quả cao.

Ngoài ra, IEA cũng hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trung bình 100.000 thùng/ngày trong năm 2022 do các hạn chế mới được áp dụng đối với du lịch quốc tế. IEA cho biết, dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chỉ tăng thêm 3,3 triệu thùng/ngày vào năm 2022, lên mức trước đại dịch, tức 99,5 triệu thùng/ngày.

Vào đầu tháng 12-2021, OPEC và các đồng minh đã đồng ý tiếp tục tăng sản lượng vào tháng 1-2022, bất chấp những bất ổn kinh tế xung quanh biến thể Omicron. IEA dự báo: Xu hướng tăng nguồn cung có thể dẫn đến dư cung 1,7 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm 2022 và 2 triệu thùng/ngày trong quý thứ hai. Các kho dự trữ hydrocarbon sẽ được lấp đầy vào năm 2022. Trong năm 2022, giá dầu WTI sẽ giảm 1,86 USD/thùng, đạt mức trung bình 66,42 USD/thùng. Dầu Brent sẽ giảm xuống 70,05 USD/thùng.

IEA dự báo: Xu hướng tăng nguồn cung có thể dẫn đến dư cung 1,7 triệu thùng/ngày trong quý đầu tiên của năm 2022 và 2 triệu thùng/ngày trong quý thứ hai. IEA dự báo, trong năm 2022, giá dầu WTI sẽ giảm 1,86 USD/thùng, đạt mức trung bình 66,42 USD/thùng. Dầu Brent sẽ giảm xuống 70,05 USD/thùng.

S.Phương


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​