Cấu trúc và lịch sử kiến tạo khu vực bể Cửu Long
Nghiên cứu mới nhất của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) về cấu trúc và lịch sử kiến tạo khu vực bể Cửu Long (“Tectonic evolu- tion and regional setting of the Cuu Long basin, Vietnam”) vừa được công bố trên Tectonophysics số 757, trang 36 - 57.

 Đây là tạp chí khoa học quốc tế uy tín, công bố các nghiên cứu mới nhất về khoa học trái đất với chỉ số impact factor 2,686 và CiteScore 2,72 vào năm 2017…


 

Hình 1. Liên kết đặc điểm cấu trúc bể Cửu Long với đặc điểm địa chất trên bờ

Bài báo đã giới thiệu chi tiết cấu trúc và lịch sử biến dạng bể Cửu Long, xác định mối liên hệ giữa hệ thống đai mạch mafic phương Bắc Đông Bắc trên bờ và hệ thống đứt gãy phương tương tự ở bể Cửu Long. Hệ thống đai mạch này được cho là các đới xung yếu trong móng trước giai đoạn tách giãn, sau đó được tái hoạt động trong giai đoạn đầu tách giãn trong Eocene. Bên cạnh đó, bài báo mô tả hệ thống đứt gãy đồng bằng Mekong và xác định mối liên kết giữa đứt gãy Mae Ping ở Thái Lan và Campuchia đi qua sườn Đông của đới uốn nếp Kampot.

 Để xác định lịch sử kiến tạo của khu vực bể Cửu Long, nghiên cứu đã sử dụng các dữ liệu địa chấn có sẵn trong bể Cửu Long, bể Vĩnh Châu và đồng bằng sông Cửu Long bao gồm dữ liệu của 144 giếng thăm dò, 46.717km địa chấn 2D, 14.115km2 địa chấn 3D cùng nhiều tài liệu khu vực khác như tài liệu trọng lực, ảnh vệ tinh, địa chấn trên bờ… Các dữ liệu này là kết quả của công tác tìm kiếm, thăm dò trong hơn 40 năm và được xử lý bằng các kỹ thuật tiên tiến như: dịch chuyển sâu trước cộng (pre-stack depth migration) và dịch chuyển CBM (controlled beam migration). Để thực hiện nghiên cứu này, nhiều phương pháp nghiên cứu đã được nhóm tác giả áp dụng như: kết hợp giữa tài liệu địa chấn và giếng khoan để minh giải cấu trúc; phân tích đặc điểm cấu trúc biến dạng trên tài liệu địa chấn; bóc tách các giai đoạn phát triển cấu trúc; phục hồi mức độ biến dạng dựa trên các mặt cắt cấu trúc khu vực; phân tích cấu trúc khu vực dựa trên bản đồ địa chất, tài liệu trọng lực và tài liệu vệ tinh.

 Kết quả cho thấy, bể Cửu Long kéo dài theo phương Đông Bắc nằm ở phần đuôi phía Đông Nam của hệ thống đứt gãy trượt bằng Mae Ping (còn gọi là đứt gãy Wang Chao). Bể hình thành do hoạt động tách giãn có biên độ lên tới 21km trong thời gian 40-31Ma. Hoạt động nén ép xảy ra sau đó với biên độ lên tới 5km trong 31-25Ma. Phương cấu trúc của bể nằm song song với cung magma Jurassic muộn - Creta- ceous, nhưng nhiều đứt gãy thuận trong bể có phương Bắc Đông Bắc song song với hệ thống đai mạch mafic trên bờ. Tập E và F hình thành trong giai đoạn đồng tách giãn. Tập D hình thành trong giai đoạn tách giãn muộn và đầu của sau tách giãn phủ onlap lên mặt bất chỉnh hợp nóc tập E. Đây là tập trầm tích chứa đá sinh giàu vật chất hữu cơ và là đá sinh chính ở bể.

Pha nén ép bắt đầu ở phần trên cùng của tập D. Các biểu hiện nén ép tập trung chủ yếu ở phần trung tâm của bể Cửu Long, nơi trong giai đoạn trước đó có biên độ tách giãn lớn nhất. Các nếp uốn và đứt gãy nghịch phương Bắc Đông Bắc là kết quả tái hoạt động của các đứt gãy thuận cùng phương. Hoạt động nghịch đảo cũng ảnh hưởng tới một số đứt gãy lớn xuất phát từ móng. Các đứt gãy thuận phương Tây Tây Bắc trong tập D, C và phần dưới tập B1 hình thành đồng thời và vuông góc với các cấu trúc nghịch đảo. Pha nén ép kéo dài từ giữa Oligocene sớm tới giữa Oligo- cene muộn. Tiếp sau đó là hoạt động lún chìm nhiệt trên toàn bể. Một số đứt gãy thuận hình thành dọc theo rìa các khối nâng móng liên quan tới tốc độ nén ép chôn vùi khác nhau giữa đới cao và đới trũng. Không có bằng chứng cho hoạt động tách giãn trong giai đoạn này.

 

Hình 2. Mặt cắt địa chấn qua khu vực trung tâm bể Cửu Long

 Phương tách giãn Tây Bắc - Đông Nam của bể Cửu Long trùng với các nhánh sông ở đồng bằng châu thổ Mekong. Các đứt gãy này hình thành hệ thống đứt gãy đồng bằng Me- kong. Đứt gãy đồng bằng Mekong có thể kéo dài về phía Tây Bắc dọc theo các nhánh sông Mekong lên tới phần rìa Đông của đới uốn nếp Kampot và đổi hướng về phía Bắc. Phần rìa Đông của đới uốn nếp Kampot hình thành một "bậc nhảy phải" (right step) của hệ thống đứt gãy Mae Ping, được gọi là cấu trúc step-over Mekong-Tonle Sap, nối giữa đứt gãy đồng bằng Me- kong và đứt gãy Mae Ping. Biên độ trượt bằng trái 21km và trượt bằng phải 5km cho đứt gãy đồng bằng Mekong phù hợp với kết luận của Morley (2013) cho rằng biên độ dịch chuyển của hệ thống đứt gãy Mae Ping đã suy yếu ở phần phía Đông Nam khu vực Tonle Sap. Cấu trúc step-over Mekong - Tonle Sap cũng đóng vai trò là đới nén ép trong giai đoạn trượt bằng trái và đới tách giãn trong giai đoạn trượt bằng phải.

Hoạt động tách giãn ở bể Cửu Long không bị ảnh hưởng bởi hoạt động giãn đáy Biển Đông. Hoạt động tách giãn ở bể Nam Côn Sơn, bắt đầu vào gần cuối giai đoạn tách giãn ở bể Cửu Long (32Ma) có phương Bắc

-        Nam, khác với phương Tây Bắc - Đông Nam ở bể Cửu Long. Tách giãn phương Tây Bắc - Đông Nam ở bể Nam Côn Sơn và giãn đáy Biển Đông hoạt động sau giai đoạn tách giãn ở bể Cửu Long. Đới nâng Côn Sơn gần như không bị ảnh hưởng đứt gãy, đóng vai trò phân chia cấu trúc 2 bể. Mặc dù cả 2 bể có thể đã dịch chuyển về phía Đông Nam do hoạt động di thoát (escape) của Indochina, hoạt động tách giãn ở bể Cửu Long liên quan trực tiếp tới quá trình thúc trồi trong khi tách giãn ở bể Nam Côn Sơn liên quan tới hoạt động giãn đáy Biển Đông.

So với các nghiên cứu trước đó, nghiên cứu của VPI đã phân tích chi tiết đặc điểm cấu trúc 3D và lịch sử biến dạng của bể Cửu Long dựa trên bộ tài liệu địa chấn 3D phủ phần lớn diện tích bể; liên hệ giữa đặc điểm phát triển cấu trúc bể Cửu Long với các cấu trúc cổ như đai uốn nếp Kampot và chùm đai mạch trên bờ phương Bắc Đông Bắc. Bên cạnh đó, liên hệ lịch sử phát triển bể Cửu Long với hệ thống đứt gãy Mae Ping dựa trên cơ sở cho các tài liệu mới. Nghiên cứu đã làm rõ lịch sử phát triển cấu trúc-kiến tạo bể Cửu Long dựa trên một bộ tài liệu đồ sộ và có độ chi tiết cao, cũng như liên hệ chặt chẽ với lịch sử phát triển địa chất khu vực. Đây là cơ sở quan trọng cho việc đánh giá tiềm năng dầu khí và giảm thiểu rủi ro trong công tác tìm kiếm thăm dò ở bể Cửu Long.

Bài báo “Tectonic evolution and regional setting of the Cuu Long basin, Vietnam” được Tectonophys- ics công bố do các tác giả của Viện Dầu khí Việt Nam (gồm: TS. William J.Schmidt, KS. Bùi Huy Hoàng, TS. James W.Handschy, KS. Vũ Trọng Hải, TS. Trịnh Xuân Cường, TS. Nguyễn Thanh Tùng) thực hiện, được đăng tải trên đường link: https://www.sci- encedirect.com/science/article/pii/ S0040195119300733?via%3Dihub.

Bùi Huy Hoàng (giới thiệu)


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​