Nội hàm “động lực mới” và “làm mới động lực cũ” là gì?
08:48 |
01/08/2024
Lượt xem:
1183
Vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024 và xác định phương hướng hoạt động cho 6 tháng cuối năm. Tại hội nghị, đồng chí Trần Quang Dũng - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn đã khái quát, phân tích nội hàm của phương châm “bổ sung động lực mới” và “làm mới động lực cũ”. Xin trân trọng giới thiệu:
***
6 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn Tập đoàn đã đạt được những kết quả rất tích cực.
Với áp lực của thành quả đã đạt được và khối lượng công việc tiếp theo đang chờ đợi, Tập đoàn luôn cần trong tâm thế sẵn sàng chuẩn bị ứng phó với tất cả tình huống như trong suốt 4 năm qua đã hình thành được thói quen, thậm chí được nâng tầm thành văn hóa “quản trị biến động”. Đặc biệt là với đội ngũ lãnh đạo, quản lý thì trong nhận thức, hành động, tư duy “quản trị biến động” đã trở thành thường trực. Khi đã hình thành tư duy thường trực, chúng ta sẽ truyền đạt để cán bộ và người lao động thấm nhuần tinh thần đó. Điều nay sẽ góp phần củng cố văn hóa nền tảng trong toàn Tập đoàn về mục tiêu và yêu cầu được đặt ra.
Đồng chí Trần Quang Dũng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn phát biểu tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Petrovietnam
Hội nghị sơ kết là dịp để đánh giá lại, giống như người nông dân sau vụ mùa, tổng kết lại đã thu hoạch như thế nào so với năm trước. Muốn có được vụ mùa bội thu, người nông dân phải cải tạo, phục hồi cho đất để cây cối đơm hoa kết trái. Văn hóa trở thành điều kiện để củng cố nền tảng và nền tảng của văn hóa sẽ tạo ra sản phẩm là sự tăng trưởng và phát triển.
Đó là lý do và câu chuyện liên quan đến chủ đề công tác năm 2024 “Quản trị biến động, bổ sung động lực mới, làm mới động lực cũ, tạo nguồn năng lượng mới, vươn tới đỉnh cao mới”.
“Vươn tới đỉnh cao mới” là yếu tố nằm trong bộ mã “gen” của người dầu khí đã được khái quát qua giá trị cốt lõi “Khát vọng – Trí tuệ - Chuyên nghiệp – Nghĩa tình”, là “khát vọng” tăng trưởng để phát triển doanh nghiệp, để đóng góp cho nền kinh tế và để chăm lo cho người lao động.
Với kết quả đạt được trong thời gian qua cũng như 6 tháng đầu năm 2024, khẳng định sự nhất quán giữa chiến lược và giá trị cốt lõi của Petrovietnam. Bên cạnh đó, cần chuẩn hóa và thống nhất văn hóa nền tảng dầu khí, tái tạo văn hóa đi trước định hướng, tạo đà cho tái tạo kinh doanh. Năm 2024, chúng ta đã có hội nghị quán triệt về việc nâng tầm văn hóa, để văn hóa thấm sâu trong quản trị, trong hành động của người lao động toàn Tập đoàn.
Tập đoàn chỉ có thể mẫu mực khi khái quát, tổng kết và rút ra bài học kinh nghiệm từ chính những thực tiễn đổi mới, sáng tạo của tất cả đơn vị. Tập đoàn không thể tự đổi mới, sáng tạo mà phải dựa vào chính sự đổi mới, sáng tạo của từng đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt, được lan tỏa trong toàn thể người lao động và cuối cùng, Tập đoàn sẽ làm nhiệm vụ khái quát lại để phổ biến, thống nhất nhận thức, hành động trong các giai đoạn tiếp theo.
Vậy nội hàm “bổ sung động lực mới” và “làm mới động lực cũ” là gì? Cụ thể như thế nào? Và có mấy nội dung? Đó là điều chúng ta cần tập trung trí tuệ để làm rõ và để cùng nhau tổ chức thực hiện.
Người lao động Dầu khí thi công lắp đặt công trình trên biển
Lịch sử Ngành Dầu khí là trong hơn nửa thế kỷ qua đã tập trung khai thác tài nguyên làm giàu cho đất nước. Thế nhưng, đây là nguồn tài nguyên không tái tạo, nó sẽ cạn kiệt. Vì vậy tài nguyên của ngành Dầu khí ở thời điểm hiện tại và trong tương lai sẽ là “Con Người”.
Con Người có thể “tạo ra các động lực mới”, Con Người có thể “làm mới các động lực cũ” để tiếp tục phát triển bền vững Tập đoàn.
Vì vậy, không chỉ ở năm 2024, Tập đoàn cần tạo nguồn năng lượng mới thông qua việc “bổ sung động lực mới, làm mới động lực cũ”. Có lẽ, trong tương lai, cần tiếp tục duy trì quan điểm và nhận thức này để triển khai có hiệu quả. Chúng ta sẽ cùng nhau làm những công việc như đã từng làm nhưng cần có sự nghiên cứu, đào sâu, đầu tư, sáng tạo một cách thống nhất, bền bỉ, liên tục và nhất quán.
Việc “bổ sung động lực mới” như sau:
Thứ nhất, phải đổi mới quản trị để tạo ra phương thức, chính sách mới.
Thông qua đổi mới quản trị để rà soát, phát hiện những điểm nghẽn, nút thắt, từ đó quyết tâm, quyết liệt có những biện pháp khắc phục, tháo gỡ. Hiện nay, bằng sự đúc kết, chọn lọc thông qua công tác quản trị; đồng thời với việc kiến nghị, chúng ta có sự nghiên cứu, đề xuất, tham mưu, trình bày, thuyết phục để cho các kiến nghị đó chuyển hóa thành cơ chế chính sách có thể đi vào cuộc sống, phục vụ trong quá trình hoạt động. Tiêu biểu như năm 2022, Quốc hội thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi) hay như ngày 24/4/2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 76-KL/TW về tình hình thực hiện Nghị quyết số 41…, với Kết luận này cùng với sự quyết tâm, quyết liệt, đổi mới trong công tác lãnh đạo, sẽ sớm đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống. Có thể nói việc đổi mới quản trị tạo ra phương thức chính sách mới, Tập đoàn đã làm và có những bài học kinh nghiệm, có những kết quả thực sự.
LNG đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hướng đến một tương lai phát triển bền vững
Thứ hai, khoa học công nghệ tạo năng suất mới, sản phẩm, dịch vụ mới. Trong 15 năm qua, toàn Tập đoàn có 10 Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN. Những giải thưởng này đều xuất phát từ thực tiễn sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và vẫn đang tiếp tục phát huy tác dụng trong hoạt động của Tập đoàn. Vì vậy, tới đây vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh, tập trung vào công tác đổi mới sáng tạo KHCN để tạo năng suất, sản phẩm, dịch vụ mới. Không có ngành, địa phương hoặc lĩnh vực, doanh nghiệp nào ở Việt Nam có được thành tựu KHCN như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. 10 Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN là thành quả rất đáng trân trọng và khẳng định tài nguyên Con Người của Tập đoàn là vô tận, vấn đề là khai thác, khơi gợi, thúc đẩy để những sáng tạo đó chuyển hóa vào thực tế sản xuất.
Thứ ba, chuyển đổi số tạo ra mô hình kinh doanh mới. Tập đoàn có Nghị quyết của Đảng ủy, có đề án, kế hoạch, chỉ đạo của HĐTV, Tổng Giám đốc Tập đoàn, các đơn vị cùng Tập đoàn đang tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nội dung này. Thời gian tới, từng đơn vị cụ thể sẽ có phương án để triển khai, thực hiện, có được kết quả tốt nhất để tạo ra mô hình kinh doanh mới. Đó vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ cấp bách.
Thứ tư, từ chiến lược phát triển, Tập đoàn đã mở ra lĩnh vực mới, dư địa mới là phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng quốc gia, gắn với phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng truyền thống, từ đó phát triển sang các lĩnh vực mới. Ví dụ, triển khai lưu trữ, xử lý, thu hồi carbon; tham gia chuỗi giá trị năng lượng mới, năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi đã có những thử nghiệm bước đầu và những thành công nhất định; nghiên cứu và đang triển khai hydrogen, chuỗi cung ứng nhập khẩu, kinh doanh LNG, sản xuất thiết bị năng lượng…
Theo Nghị quyết 41, Tập đoàn hoạt động trong 5 lĩnh vực chính, trong đó tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, nhưng với Kết luận 76, chiến lược mới được mở ra, do đó, đồng thời mở ra những lĩnh vực mới, dư địa mới để phát triển.
Kết luận 76 có nhấn mạnh: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác tiếp tục là lĩnh vực cốt lõi. Điều đó tạo ra sự động viên rất lớn để đội ngũ NLĐ làm công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác yên tâm tiếp tục sáng tạo trong lĩnh vực công việc đang đảm nhiệm, thông qua việc triển khai lĩnh vực truyền thống, đồng thời cũng tạo ra động lực sáng tạo mới trong lĩnh vực cốt lõi E&P.
Lĩnh vực công nghiệp khí không còn đơn thuần là lĩnh vực chính như trước mà được xác định là nền tảng của hoạt động dầu khí, của ngành Dầu khí.
Lĩnh vực chế biến là lĩnh vực gia tăng giá trị. Điện, năng lượng tái tạo là lĩnh vực tạo nguồn năng lượng mới.
Dịch vụ kỹ thuật là lĩnh vực mũi nhọn của ngành.
“Một đội ngũ, một mục tiêu”
Đó là 4 nội dung của “bổ sung động lực mới”. Song song với “bổ sung động lực mới” là 4 nội dung “làm mới động lực cũ”, cụ thể:
Thứ nhất, thông qua tối ưu quản trị, rút ngắn quy trình và thời gian, thường xuyên đánh giá để tiếp tục tối ưu quản trị trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư đảm bảo đạt hiệu quả cao trong thời gian nhanh nhất. Tối ưu quản trị, rút ngắn quy trình và thời gian để tạo ra năng lượng và sản phẩm.
Thứ hai, cần thiết phải rà soát để điều chỉnh bộ máy, mô hình như thế nào cho đạt hiệu quả. Ngay trong việc làm mới động lực cũ, nó cũng có sự liên hệ, bổ sung động lực mới. Khi đã phát hiện, hình dung được, cần có tác động để tạo ra sự chuyển biến đạt mục tiêu hiệu quả.
Thứ ba, nếu cần thiết, thay đổi nhân sự đảm bảo phù hợp, bổ sung đội ngũ lãnh đạo có chất lượng. Thực tế tại Tập đoàn, sau tất cả mọi giải pháp, nếu chưa đạt kết quả thì giải pháp cuối cùng là Con Người và giải pháp này chắc chắn sẽ đem lại kết quả.
Thứ tư, phục hồi hoạt động các dự án, đơn vị yếu kém, tập trung giải pháp ổn định hoạt động SXKD, tăng năng suất theo hướng bền vững, toàn diện, đồng đều trong cả hệ thống Petrovietnam. 6 tháng qua, Tập đoàn đã trình Thủ tướng Chính phủ và cơ bản được chấp thuận và đồng ý việc tái cấu trúc DQS.
Đúc kết lại, nội hàm “bổ sung động lực mới” và “làm mới động lực cũ” đều có 4 nội dung, cần được thống nhất nhận thức, từ đó cùng nhau thực hiện với tinh thần “một đội ngũ, một mục tiêu”, chắc chắn sẽ đem lại kết quả, giúp Tập đoàn vượt qua những rào cản, thách thức và biến động.
Nhóm phóng viên (lược ghi)
Bình luận