Dự án Biển Đông 01 từ góc nhìn khoa học công nghệ:Kỳ 1:

Dự án Biển Đông 01- nơi mà lòng yêu nghề và tình yêu nước đã được thể hiện
Để đưa Dự án Biển Đông 01 đi đến thành công, ngoài nỗ lực vượt bậc, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC), các đối tác, nhà thầu PTSC; các giải pháp sáng tạo về khoa học và công nghệ trong Cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam” là phần cốt lõi cấu thành không thể thiếu.

 Dự án Biển Đông 01 tại cụm mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh.

Có thể khẳng định, phát triển dự án Biển Đông 01 thành công và vận hành một cách an toàn, liên tục, hiệu quả và đạt cường độ khai thác cao cho đến ngày hôm nay là thành tựu hết sức to lớn của Ngành Dầu khí Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung. Cũng xin nhắc lại, Biển Đông 01 là dự án khai thác khí trọng điểm của Tập đoàn, cũng là dự án đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á có điều kiện điều kiện địa chất phức tạp, nhiệt độ - áp suất cao được đưa vào phát triển và khai thác thành công. Sản lượng khí khai thác từ hai mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh đạt trung bình 2 tỷ mét khối và 2,5 triệu thùng condensate mỗi năm đã góp phần bổ sung quan trọng cho các nhà máy điện - đạm tại khu vực Đông Nam Bộ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển hệ thống khí - điện - đạm quốc gia.

Cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam” bao gồm các giải pháp khoa học công nghệ mới được nghiên cứu phát triển và áp dụng hiệu quả trong quá trình thực hiện dự án Biển Đông 01. Đây là một hệ thống bao gồm rất nhiều các giải pháp có giá trị cao về cả khoa học và công nghệ, góp phần quan trọng cho khoa học dầu khí.

Để tìm hiểu rõ hơn về Cụm công trình khoa học này, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với Tiến sĩ Ngô Hữu Hải – Tổng Giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC), một trong những tác giả tham gia nghiên cứu và hoàn thiện Cụm công trình. Để có cái nhìn bao quát về Cụm công trình, trước tiên phải kể đến quá trình hình thành nên dự án Biển Đông 01.

Sau khi Việt Nam trải qua hai cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, bắt đầu mở cửa hội nhập, các dự án dầu khí được triển khai trong giai đoạn này phải đối mặt với sự thiếu thốn cả về kỹ thuật, công nghệ, tài chính lẫn kinh nghiệm. Trong đó, thi công các công trình dầu khí ngoài khơi là đặc biệt khó khăn do các điều kiện phức tạp về địa chất, địa chính trị, khí hậu – hải dương, yêu cầu cao về nhân lực, thiết bị, tài chính, quản lý dự án cũng như đảm bảo tiến độ. Tuy vậy, bằng nỗ lực của những con người dốc lòng cho sự nghiệp Dầu khí, cùng với sự giúp đỡ từ phía Liên Xô (Liên bang Nga), các dự án phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ cao lần lượt ra đời, không những sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất nước mà còn tạo động lực thúc đẩy sự hình thành các vùng kinh tế trọng điểm Quốc gia, đẩy mạnh công cuộc hiện đại hóa đất nước, khẳng định chủ quyền Việt Nam trên vùng biển Tổ quốc.

Ngành Dầu khí Việt Nam ngày một phát triển, khai thác hàng loạt dự án dầu khí mới trong và ngoài nước, đặc biệt tích cực triển khai các dự án trong nước gắn với khẳng định chủ quyền biển đảo; đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy nhiên, việc suy giảm sản lượng của các mỏ là không thể tránh khỏi. Việc gia tăng trữ lượng dầu khí bù vào sản lượng khai thác hàng năm là thách thức vô cùng lớn. Tiềm năng dầu khí còn lại tập trung chủ yếu ở vùng nước sâu – cận sâu, xa bờ, điều kiện đặc biệt khó khăn, phức tạp, yêu cầu hệ thống công nghệ khoan – phát triển mỏ hiện đại, vốn đầu tư lớn, rủi ro cao, trong khi công tác đầu tư, thăm dò khai thác ở những vùng nước sâu – cận sâu, xa bờ, vì nhiều nguyên nhân, chưa đạt được như mong muốn.

Đứng trước nguy cơ suy giảm sản lượng dầu khí, thiếu điện, thiếu khí, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nhận thức được những cơ hội và thách thức mới, cần phải tiếp tục nâng cao nền tảng khoa học – công nghệ để tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững, trong đó nghiên cứu và phát triển công nghệ để vươn ra xa hơn, khai thác các mỏ dầu khí phức tạp hơn là nhiệm vụ sống còn.


Người lao động dầu khí trên giàn PQP-HT (giàn xử lý trung tâm mỏ Hải Thạch)

Năm 1992, hoạt động thăm dò – khai thác dầu khí ở Lô 05-2 và Lô 05-3 bể Nam Côn Sơn được triển khai trên cơ sở hai hợp đồng phân chia sản phẩm giữa các Nhà thầu BP (Vương quốc Anh), ConocoPhillips (Hoa Kỳ) và Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam).

Năm 1993, BP tiến hành khoan thăm dò dầu khí ở Lô 05-3 và đã phát hiện mỏ khí Mộc Tinh, năm 1995 tiếp tục phát hiện mỏ khí Hải Thạch ở Lô 05-2. Hai mỏ này nằm cách Vũng Tàu khoảng 320 km về phía Đông Nam. Sau gần 13 năm tích cực nghiên cứu và thực hiện chương trình thẩm lượng, báo cáo trữ lượng của hai mỏ Hải Thạch và Mộc Tinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2006. Trên cơ sở đó, nhà điều hành của hai lô này đã lập Kế hoạch tổng thể phát triển mỏ và bắt đầu triển khai các công việc lập Kế hoạch Phát triển dự án khai thác.

Thế nhưng, hầu hết những giếng khoan thăm dò tại hai Lô 05-2 và 05-3 đã liên tiếp gặp sự cố do điều kiện địa chất phức tạp, đặc biệt là vấn đề nhiệt độ cao, áp suất cao trong quá trình khoan. Hai giếng thăm dò tại Mộc Tinh đều phát hiện khí nhưng buộc phải hủy cả 2 do gặp phải các khó khăn trong quá trình thi công. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế, chính trị thế giới và trong khu vực bắt đầu có diễn biến phức tạp, vị trí địa lý của các mỏ này nằm ở khu vực nhạy cảm, nước sâu xa bờ,… Tất cả những khó khăn thách thức hiện hữu đã khiến các đối tác nước ngoài là Nhà thầu BP và ConocoPhillips quyết định rút khỏi hợp đồng phân chia sản phẩm, chuyển giao hoàn toàn quyền lợi tham gia và quyền điều hành Lô 05-2 và 05-3 cho Petrovietnam vào cuối năm 2008.

Phải nói thêm rằng, trước năm 2009, các hoạt động thăm dò, khai thác ở thềm lục địa Việt Nam nói chung phần lớn giới hạn ở độ sâu dưới 100 m nước, và chỉ chiếm 25% đến 30% diện tích thềm lục địa; phần còn lại từ 70% đến 75% với độ sâu từ 100 m nước trở lên thì chưa có được các hoạt động thăm dò, khai thác đáng kể. Đến thời điểm đó, Petrovietnam mới chỉ có 3 mỏ khí hoàn toàn được thực hiện với công nghệ và kỹ thuật nước ngoài. Trong khi đó, độ sâu nước biển ở khu mỏ Mộc Tinh khoảng 118 m và khu vực mỏ Hải Thạch khoảng 145 m, lại là nơi có điều kiện địa chất phức tạp vào loại hiếm có trên thế giới, khí đốt ở giếng có nhiệt độ lên đến 170°C và áp suất hơn 400 atmosphere, vì thế BP đã để lại 2 mỏ này và ưu tiên khai thác 2 mỏ Lan Tây - Lan Đỏ (Lô 06-1), mặc dù cả 4 mỏ được phát hiện gần như cùng thời điểm. Việc rút lui của các đối tác hàng đầu thế giới khỏi 2 lô 05-2 và 05-3 đã đưa Petrovietnam vào tình thế cực kỳ khó khăn.

Vì vậy, phải khẳng định rằng, quyết định tiếp tục phát triển mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh của Petrovietnam thời điểm bấy giờ là một “nước đi” táo bạo, thể hiện sự dũng cảm và quyết tâm cao độ của lãnh đạo Tập đoàn để có thể khai thác thành công, sự thành công của dự án không chỉ phục vụ nền kinh tế quốc dân, dự án còn là sự khẳng định mạnh mẽ nhất về chủ quyền quốc gia trên biển.

Được sự tin tưởng, ủng hộ của Chính phủ, Petrovietnam đã thành lập Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC), với vai trò là chi nhánh Tập đoàn, trực tiếp điều hành dự án, đảm nhiệm trọng trách đưa mỏ khí Hải Thạch - Mộc Tinh đi vào khai thác, với tên gọi Dự án Biển Đông 01.


Chào cờ Tổ quốc trên mỏ Hải Thạch

Tiến sĩ Ngô Hữu Hải khẳng định: Sự thành công của Dự án Biển Đông 1 được thể hiện ở lòng dũng cảm, sáng suốt và tầm nhìn trong chiến lược, táo bạo trong quyết định của Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với sự ủng hộ và chỉ đạo sát sao của các Bộ Ban Ngành liên quan, hơn cả là tập thể Ban lãnh đạo trực tiếp của Dự án. Những sáng tạo đột phá trong nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện hệ thống kỹ thuật là những yếu tố quan trọng hàng đầu, mang tính chất quyết định sự thành công của Dự án Biển Đông 1. Ngày hôm nay, bức tranh hoành tráng, sinh động của tổ hợp giàn khai thác và ngọn lửa bừng sáng tại cụm mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh là minh chứng rõ nét nhất cho sự kết hợp giữa trí tuệ, ý chí và lòng tin của người dầu khí Việt Nam. Họ đã làm việc không ngừng nghỉ với tinh thần: tự tin nhưng không phiêu lưu, dũng cảm nhưng không liều lĩnh, khẩn trương nhưng không vội vã, sáng tạo nhưng không chủ quan. Những khó khăn, thử thách của Biển Đông 1 giờ đây càng để khẳng định thêm bản lĩnh, trí tuệ của những người đã góp sức chinh phục đỉnh cao mới tại khu vực thềm lục địa Việt Nam – nơi mà lòng yêu nghề và tình yêu nước đã được thể hiện.

(còn tiếp)


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​