3.200 giếng có nguy cơ rỉ dầu dưới đáy vịnh Mexico
AP ngày 20-4 cho hay họ vừa nhận được thông tin 3.200 giếng dầu và khí đốt đang hoạt động bị bỏ rơi dưới đáy vịnh Mexico, không được bịt kín hay áp dụng biện pháp chống rò rỉ cẩn trọng nào.

Hãng tin này cho biết họ nhận được báo cáo trên từ các quan chức liên bang của Mỹ theo Luật tự do thông tin Mỹ. Theo đó, có ít nhất 3/5 trong số 50.000 giếng được khoan ở vịnh Mexico đã bị bỏ hoang mà không có hoạt động kiểm tra định kỳ.

Trong đó, hơn 3.200 giếng dầu chưa bịt kín có tuổi đời 60 năm đã không được sử dụng ít nhất 5 năm nay và hiện chưa có kế hoạch sử dụng lại chúng. Các nhà điều hành cũng không được yêu cầu bịt những giếng này vì hợp đồng thuê lại của họ chưa hết hạn. Như vậy, môi trường biển của vịnh Mexico càng thêm tồi tệ sau thảm họa tràn dầu ngày 20-4-2010 ở giàn khoan Deepwater Horizon.

Thông thường, khi giếng dầu được khoan, chúng có một vỏ bọc bằng kim loại và sau đó có thêm vỏ bọc bằng ximăng. Những giếng bị bỏ lại vĩnh viễn sẽ phải được gắn thêm ximăng, giống như cái nút để tránh cho dầu và gas phụt ra. Sau đó, họ phải chụp thêm “mũ” cho chúng để đảm bảo an toàn trước tác động lý hóa trong môi trường biển.

Nhưng các giếng dầu bị “tạm thời bỏ” được gắn rất sơ sài để dễ khoan lại khi cần sử dụng đến. Do đó, nếu nhiều năm không được dùng đến hay bảo trì, chúng có nguy cơ rò rỉ ra môi trường biển.

Khi giàn khoan Deepwater Horizon của BP bị nổ tung hôm 20-4-2010, giếng dầu phía dưới đang trong tình trạng được “tạm thời bỏ” để chờ khai thác trong thời gian sau đó. Lớp ximăng mỏng trát trên đó được xác định là nguyên nhân chính gây ra vụ nổ chết người và thảm họa tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Lớp ximăng mỏng trát trên giếng dầu khi giếng bị “tạm thời bỏ” được coi là

nguyên nhân gây ra thảm họa ngày 20-4-2010 - Ảnh: The Atlantic

Roger N. Anderson - chuyên gia địa vật lý năng lượng ở Đại học Columbia, cho hay ông lo ngại lớp ximăng trên các giếng dầu bỏ hoang này sẽ mau chóng bong ra và gây nên thảm họa rỉ dầu mới. “Chúng ta không biết ximăng sẽ trụ trong nước biển được bao lâu, trong khi ximăng trát đường ta đi hằng ngày cũng chỉ vững vàng được một thời gian”, ông nói.

Sự cố tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ để lại hậu quả nặng nề cho môi trường sinh thái và làm biến đổi cuộc sống của những người dân mưu sinh bằng nghề biển.

Vợ chồng anh Louis và Audrey Neal ở Mississipi cho hay họ từng sống bằng nghề đánh bắt cua nhưng mọi thứ đã thay đổi hẳn sau thảm họa.

“Tôi không thấy ánh sáng cuối đường hầm nữa. Biển không có cua và chẳng còn thứ gì”, Louis Neal nói. Cặp vợ chồng này nhận được 53.000 USD đền bù từ Công ty BP nhưng chừng đó chỉ đủ trả nợ ba tháng sau khi hoạt động kinh doanh bị ngừng lại.

Dù vậy, nhiều người vẫn hi vọng. Anh John Williams dành ngày kỷ niệm một năm này để đi đánh cá trích ở cầu cảng và có đến cả trăm người đang xếp hàng ở đó. “Mọi người đang trở lại, thế là vui rồi”, Williams nói.

Trong khi đó, các nhà khoa học nhận thấy đất ở nhiều nơi ven vùng biển ảnh hưởng bị xói mòn và vẫn có những đám dầu đen nặng tràn vào bờ. Bobby Jindal - thống đốc bang Louisiana - cho hay cách bờ biển bang này hơn 400km vẫn nhìn thấy dầu loang.

(Theo Tuổi Trẻ)