Vì sao Bộ Công Thương phải trình lại Quy hoạch điện VIII?
Vừa qua, Bộ Công Thương đã trình Thường trực Chính phủ Đề án Quy hoạch điện VIII với 6 nội dung xin ý kiến Thường trực Chính phủ. Điểm qua các nội dung này thì vẫn thấy Bộ Công Thương đang phải đau đầu “cân đo đong đếm” chứ chưa giải quyết được yêu cầu cơ bản của Chính phủ là “giá điện” là bao nhiêu, có chấp nhận được không.

Theo đó, 6 nội dung được Bộ Công Thương xin ý kiến Thường trực Chính phủ trong tờ trình lần này là rà soát các dự án điện than, điện khí; Các dự án điện mặt trời; Các chỉ tiêu liên quan đến điện tại Nghị quyết 55-NQ/TW; Cơ cấu nguồn đến năm 2030 trong Quy hoạch điện VIII; Về cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và Quyết định thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA).

Quy hoạch điện VIII phải nhắm đến mục tiêu giá điện rẻ và bền vững.

Trong 6 nội dung chính nêu trên, 3 nội dung đầu thì không cần phải bàn vì đây là những việc cơ bản mà qua 7 lần thực hiện quy hoạch rồi đều… “vỡ” quy hoạch cần phải làm. Công việc này giống như kiểm đếm cơ bản của mỗi cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng sau khi kiểm đếm, tính toán lượng điện của toàn hệ thống, tính toán các nguồn điện có thể đưa vào sử dụng trong 5-10 năm tới, Bộ Công Thương đã đưa ra cơ cầu nguồn điện (nội dung kiến nghị thứ tư) đến năm 2030 trong Quy hoạch điện VII làm căn cứ để kiến nghị Thường trực Chính phủ xem xét thông qua đề án Quy hoạch điện VIII.

Theo đó, cơ cấu nguồn đến năm 2030 như sau: Tổng công suất các nhà máy điện (đã tính đến 2.428,42 MW công suất các dự án điện mặt trời sau khi đã rà soát nêu trên, đưa vào vận hành trước năm 2030) khoảng 120.995-148.358 MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát).

Trong đó, thủy điện (tính cả thủy điện nhỏ) đạt 26.795-28.946 MW, chiếm tỷ lệ 19,5-22,1%; nhiệt điện than 37.467 MW, chiếm tỷ lệ 25,3-31%; nhiệt điện khí (tỉnh cả nguồn điện sử dụng LNG) 29.880-38.980 MW, chiếm tỷ lệ 24,726,3%; năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, ...) 21.666-35.516 MW, chiếm tỷ lệ 17,9-23,9%, nhập khẩu điện 3.937-5.000 MW, chiếm tỷ lệ 3,3-3,4%.

Thoạt nhìn thì tỉ lệ nguồn điện của Việt Nam là khá cân bằng, đúng hơn là tối ưu theo hướng năng lượng xanh so với chuẩn của thế giới mà các quốc gia phát triển nhìn vào cũng phải ngưỡng mộ. Trong đó, năng lượng sạch gồm thủy điện, điện mặt trời có thể lên đến 46% cộng với điện khí (phát thải thấp) gần 25% nữa là tổng nguồn điện xanh của Việt Nam đạt 71%. Còn lại nguồn nhiệt điện than (phát thải cao) chiếm tỉ lệ chưa đến 25%.

Cần phải nhìn vào cơ cấu nguồn điện này khi trong đó điện mặt trời, điện gió có giá bán điện rất cao theo quyết định số 13/2020/QĐ-TTg. Hơn thế nữa các nhà máy điện mặt trời lại còn phải huy động toàn bộ 100%. Đây không chỉ là nguyên nhân kéo giá điện lên rất nhiều mà còn tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ cân bằng Quy hoạch điện cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả của các nguồn điện khác như điện khí, điện than vì không được huy động.

Trong nội dung thứ 5, Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ có Quyết định bãi bỏ các Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, Quyết định số 37/2011QĐ-TTg và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là một kiến nghị có tính “đột phá”, tháo hai “nút thắt” về cơ chế này sẽ giúp Bộ Công Thương có thể điều chỉnh hàng loạt giá mua bán điện đối với điện mặt trời và điện gió.

mua bán điện gió từ Lào về Việt Nam

Việt Nam phải tính đến phương án mua điện gió từ Lào nếu rẻ và bền vững.

Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, với cái nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án nguồn điện thì việc bãi bỏ cơ chế khuyến khích sau khi một lượng tiền hàng tỉ USD từ các doanh nghiệp đổ vào các nhà máy điện sẽ ảnh hưởng tâm lý đối với các nhà đầu tư.

Cuối cùng là Bộ Công Thương đề xuất được giao quyền xem xét lại các hợp đồng mua bán điện giữa Tập đoàn điện lực Việt Nam và các đơn vị bán điện. Với chức năng quản lý nhà nước, Bộ Công Thương là người xây dựng lên “luật chơi” của thị trường mua bán điện của nước ta. Các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI đang đầu tư, sở hữu các nhà máy điện tại Việt Nam sẽ khó mà chấp nhận điều này.

Có thể thấy rằng, việc Chính phủ chưa thông qua Quy hoạch điện VIII do Bộ Công Thương trình nhiều lần là hoàn toàn dễ hiểu khi Quy hoạch đó còn quá nhiều vấn đề cần cân nhắc và đặc biệt là chưa làm rõ yêu cầu của Chính phủ về một giá điện có thể chấp nhận được đối với người dân trong ít nhất là 10 năm tới.

Thành Công


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​