Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Phân cấp cụ thể, minh bạch, rành mạch về trách nhiệm
Hợp đồng dầu khí là một nội dung quan trọng của dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) hiện vẫn còn ý kiến khác nhau về thẩm quyền phê duyệt. Cho ý kiến về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát căn cứ pháp lý, thực tiễn, đánh giá đầy đủ, toàn diện các tác động, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá kỹ ưu, nhược điểm. Đặc biệt là phải bảo đảm phân cấp cụ thể, minh bạch, rành mạch về trách nhiệm của từng chủ thể liên quan như yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đưa ra.

“Khi có rủi ro, ai chịu trách nhiệm?”

Phân cấp cụ thể, minh bạch, rành mạch về trách nhiệm

Một vấn đề chúng ta cần quan tâm là phân biệt giữa thuế thu nhập của doanh nghiệp hoạt động dầu khí và thuế thu nhập trong hoạt động dầu khí. Tại dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) định nghĩa “Thuế thu nhập trong doanh nghiệp hoạt động dầu khí là tỷ lệ thuế tính trên hợp đồng dầu khí”, mà không phụ thuộc vào lỗ hay lãi của doanh nghiệp. Quy định này chưa tách bạch được thuế thu nhập của hợp đồng dầu khí với thuế thu nhập doanh nghiệp của một pháp nhân, tức là mâu thuẫn giữa Luật Dầu khí và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đánh vào pháp nhân, có thể phân tích ra theo hoạt động, hoạt động về bất động sản, hoạt động kinh doanh chính, kinh doanh phụ... nhưng cuối cùng vẫn quy về pháp nhân. Tuy nhiên, trong thực tế, có đôi khi PVN rơi vào tình huống có những năm lỗ nhưng mã thuế thu nhập đóng rất nhiều. Mâu thuẫn này đến nay chưa giải quyết được nên chăng các cơ quan chức năng cần nghiên cứu đặt một tên khác với loại thuế này không? Ta không gọi là thuế thu nhập doanh nghiệp hoạt động dầu khí mà là thuế thu nhập của hợp đồng dầu khí có được không để thu được bao nhiêu từ hợp đồng dầu khí đấy thì phần đó mới là doanh thu của doanh nghiệp dầu khí? Tại dự án Luật vẫn chưa phân tách được giữa thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo hợp đồng dầu khí và một loại thuế tính theo chi phí của doanh nghiệp nên chưa thấy thuyết phục.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí có cấu trúc nội dung phức tạp do đặc thù của hoạt động dầu khí. Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động dầu khí ngày càng hội nhập và đã có nhiều thay đổi so với thời điểm ban hành Luật Dầu khí năm 1993 nên cần phải có cơ chế mới về phê duyệt hợp đồng dầu khí nhằm bảo đảm tính chủ động, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ Công thương và Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) trong quá trình triển khai thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc giao PVN phê duyệt hợp đồng dầu khí không bảo đảm khách quan trong trường hợp đơn vị này tham gia với tư cách nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng dầu khí. Do đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với quy định theo hướng Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt nội dung chính của hợp đồng dầu khí; giao Bộ Công thương phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí; trên cơ sở đó, PVN ký kết và quản lý hợp đồng dầu khí (Phương án 1 khoản 1 Điều 24 dự thảo Luật). Với phương án này, cũng sẽ bỏ quy định về Chính phủ ban hành hợp đồng dầu khí mẫu để bảo đảm sự thống nhất về chính sách.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, hiện có ý kiến cho rằng, hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thỏa thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn với nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển... Vì vậy, cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí, tương tự như quy định được Chính phủ đề xuất tại lần trình dự án Luật tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV (Phương án 2 khoản 1 Điều 24 dự thảo Luật).

Băn khoăn về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, phương án 1 được Thường trực Ủy ban Kinh tế lựa chọn có một số bất cập, đòi hỏi phải nghiên cứu để xác định phương thức phù hợp hơn. Chủ tịch Quốc hội phân tích, các quy định pháp luật về phê duyệt hợp đồng dầu khí được kỳ vọng sẽ rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền. Song, nếu thực hiện theo phương án 1 sẽ không rành mạch trách nhiệm, khi một việc được hai chủ thể phê duyệt, Thủ tướng phê duyệt khung, Bộ Công thương lại phê duyệt bước thứ hai. “Như thế có đúng tinh thần cải cách hành chính không? Rồi sau này có việc gì thì chủ thể nào chịu trách nhiệm?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Hợp đồng dầu khí là thỏa thuận pháp lý rất quan trọng giữa Nhà nước và nhà đầu tư dầu khí, ràng buộc quyền và nghĩa vụ các bên trong thăm dò, khai thác, có những tính chất rất dài hạn 20 - 30 năm. Trong quá trình làm có thể phát sinh những tranh chấp hoặc rủi ro. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, nên chăng quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí và xác định những nguyên tắc cơ bản để Bộ trưởng Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm.

Thống nhất thẩm quyền, đơn giản hóa thủ tục

Nêu quan điểm tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, hợp đồng dầu khí cuối cùng là quan trọng nhất, tất cả các tranh chấp có với nước ngoài đều liên quan đến hợp đồng dầu khí. Trong khi đó, nhà đầu tư cũng quan tâm nhất đến hợp đồng dầu khí, trong khi Chính phủ bị ràng buộc cũng chỉ bởi những điều khoản trong hợp đồng này. Với những lý do nêu trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp tán thành với phương án giao Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thay vì để nhiều chủ thể cùng phê duyệt gây mất rất nhiều thời gian.

Nhìn từ thực tế tham gia ký kết, thực hiện hợp đồng dầu khí, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, hợp đồng dầu khí là mối quan hệ giữa Nhà nước với nhà thầu dầu khí, nên từ trước đến nay, trước khi PVN được ký kết và thực hiện việc quản lý ký hợp đồng này đều cần được cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt. Điều hoạt động khai thác dầu khí cần nhất, theo Tổng Giám đốc PVN là, tại dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ quy định rõ trình tự, thủ tục phê duyệt hợp đồng dầu khí và nội dung hợp đồng dầu khí phải được phê duyệt. “Như gợi ý của Chủ tịch Quốc hội, PVN thống nhất thẩm quyền phê duyệt, thủ tục phê duyệt ngắn gọn để Tập đoàn dễ thực hiện việc phê duyệt và quản lý hợp đồng”, Tổng Giám đốc PVN khẳng định.

Về một số vấn đề liên quan đến hợp đồng dầu khí, ông Lê Mạnh Hùng cho biết, trong thực tế hoạt động cũng như theo dõi, quản lý các hoạt động dầu khí trong những năm qua đã cho thấy vẫn cần xem xét ban hành hoặc giao cho Bộ Công thương ban hành hợp đồng mẫu. Bởi hợp đồng mẫu này sẽ giúp cho các nhà thầu dầu khí sớm tiếp cận các tài liệu liên quan đến quan điểm của nước chủ nhà về hoạt động dầu khí như thế nào, qua đó, giúp cho quá trình đàm phán ngắn đi.

Trình bày kỹ hơn về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tại dự thảo Luật, Chính phủ đã phân cấp nhiều nội dung cho Bộ Công thương và PVN. Song, một số nội dung rất quan trọng thuộc thẩm quyền phê duyệt/chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ gồm: kết quả lựa chọn nhà thầu, nội dung hợp đồng dầu khí, gia hạn hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt, chuyển nhượng quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí, trong khi đó, hợp đồng dầu khí là thỏa thuận ràng buộc pháp lý giữa Nhà nước và nhà đầu tư (nhà thầu dầu khí) có thời hạn rất dài (hơn 30 năm), có nhiều nội dung đặc thù liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển... Hơn nữa, các điều khoản của hợp đồng dầu khí liên quan mật thiết với nhau, do đó rất khó phân định các điều khoản chính, điều khoản phụ. “Do vậy, việc quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí là phù hợp thực tiễn hoạt động dầu khí tại Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ. 

Do còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung này, phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát căn cứ pháp lý, thực tiễn, đánh giá đẩy đủ, toàn diện các tác động, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đánh giá kỹ ưu, nhược điểm của hai phương án phân cấp phê duyệt hợp đồng dầu khí. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần lưu ý tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội về bảo đảm phân cấp cụ thể, minh bạch, làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương trong phê duyệt, ký kết hợp đồng này. 

Theo daibieunhandan.vn


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​