Sửa đổi Luật Dầu khí để thu hút đầu tư mới
Chia sẻ tại Tọa đàm “Hoàn thiện thể chế - Đòn bẩy cho ngành Dầu khí phát triển” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 13.6, Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc sửa đổi Luật Dầu khí để thu hút đầu tư mới, khắc phục những hạn chế còn tồn tại là vô cùng cần thiết.

Tạo khuôn khổ, thể chế, môi trường đầu tư cho hoạt động dầu khí

Theo Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, việc hoàn thiện Luật Dầu khí, xuất phát và căn cứ vào ba điểm chính. Thứ nhất là vai trò thực tiễn của ngành Dầu khí trong quá khứ cũng như hiện tại. Thứ hai là vai trò của luật với tư cách là một khung thể chế. Thứ ba là bối cảnh mới, yêu cầu mới, mục tiêu mới. Ba điểm này sẽ khẳng định sự cần thiết phải điều chỉnh luật.

Nói về vai trò của ngành Dầu khí, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, chúng ta đã từng có một thời kỳ sống bằng dầu khí, ngành này rất quan trọng với nền kinh tế Việt Nam. Khi Việt Nam có dầu khí, công nghiệp dầu khí, đã chuyển sang vị thế khác, không còn là một nước nông nghiệp thuần túy như trước.

Đánh giá về vai trò đặc biệt của Luật Dầu khí, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, luật là “đường ray” tạo khuôn khổ, thể chế, môi trường đầu tư cho các hoạt động về dầu khí. Do đó, việc hoàn thiện Luật Dầu khí là cực kỳ quan trọng để đảm bảo "đường ray" này luôn luôn đúng hướng, vững chắc, hạn chế được những rủi ro, lệch lạc.

"Đây là một trong những yếu tố bắt đầu từ vai trò tư duy và phát triển thành thể chế, luật… Đây chính là ý nghĩa của việc hoàn thiện luật, đòi hỏi luật phải luôn luôn được làm mới, cập nhật thường xuyên để phát huy vai trò định hướng phát triển", TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Chuyên gia Kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong chia sẻ tại tọa đàm

Luật phải hướng tới bối cảnh mới, yêu cầu mới, mục tiêu mới

TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, Luật Dầu khí phải thể hiện tầm nhìn, yêu cầu quốc gia về dầu khí và chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. Đây được coi là mục tiêu quốc gia, quyết tâm chính trị của chúng ta. 

Luật Dầu khí xuất hiện trễ hơn các luật khác. Vì vậy, sự điều chỉnh, sửa đổi để hoàn thiện Luật Dầu khí nhằm bảo đảm sự tương thích, vừa phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính hiệu quả của luật, vừa phù hợp với các luật mới ra đời, tránh sự vênh nhau.

Bối cảnh mới đặt ra những yêu cầu và mục đích mới. Trong đó có xu hướng "đi ngược nhau" rất đáng quan ngại. Một mặt, xu hướng giảm nguồn cung mới, giảm sản lượng mới, giảm hợp đồng mới và kéo giảm cả tỷ trọng trong nền kinh tế. Tất nhiên, điều này một phần là do sự gia tăng tỷ trọng của các ngành kinh tế khác. Mặt khác, là xu hướng gia tăng ở rất nhiều yếu tố, trong đó, phải kể đến tăng về tổng cầu. Nhu cầu và giá về xăng dầu tăng đều tăng rất mạnh trong thời gian qua. Cùng với đó là trong bối cảnh tăng các tranh chấp căng thẳng biển Đông; tăng các chi phí cả về điều tra, thăm dò, khai thác, sản xuất…

Từ năm 1981 đến nay, có 108 hợp đồng khai thác dầu khí nhưng thực tế hiện nay chỉ còn 50 hợp đồng đang còn hiệu lực, trong đó có một số hợp đồng “ngủ đông”. Trong 7 năm qua, dầu khí Việt Nam chỉ có 3 hợp đồng mới, tức là đang "tiến nhanh" ở “xu hướng chậm” và nếu không được quan tâm đúng mức, ngành này sẽ hao mòn. Bởi vậy, sự hoàn thành Luật để thu hút đầu tư mới, để khắc phục những hạn chế này là vô cùng cần thiết.

Theo daibieunhandan.vn


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​