Một đội ngũ - Một mục tiêu, Petrovietnam quyết tâm hoàn thành sớm nhất các dự án điện
Thành công của lĩnh vực Điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trong những năm qua có sự nỗ lực của đội ngũ CBNV Cơ quan Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, của lãnh đạo và các ban chuyên môn Tập đoàn, trong đó có các thế hệ cán bộ, nhân viên Ban Điện và Năng lượng tái tạo (Đ&NLTT) đã cùng ăn, ngủ, sống với các dự án, cùng các nhà máy điện.

Lĩnh vực Điện là một trong 5 lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Trải qua gần 20 năm xây dựng và hình thành lĩnh vực Điện, từ con số "0" ban đầu nay đã hình thành chuỗi các loại hình phát điện hiện nay như: nhiệt điện khí; thủy điện; nhiệt điện than và tương lai sẽ là các mô hình năng lượng điện mới như năng lượng tái tạo (NLTT) và điện gió ngoài khơi (ĐGNK).

Hiện nay, tổng công suất các nhà máy điện của Tập đoàn và các đơn vị thành thành viên đạt 6.600MW, chiếm khoảng 8,5% công suất toàn hệ thống, hằng năm phát hàng chục tỉ kWh lên lưới điện và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Có thể nói, để có được thành quả như hôm nay phải kể đến nỗ lực của đội ngũ CBNV Cơ quan Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, của lãnh đạo và các ban chuyên môn Tập đoàn, trong đó có các thế hệ cán bộ, nhân viên Ban Đ&NLTT đã cùng ăn, ngủ, sống với các dự án, cùng các nhà máy điện trong thời gian qua.

NMNĐ Sông Hậu 1

Nhìn lại quá trình phát triển đầy gian khổ những cũng đầy tự hào có thể thấy một số điển hình các Dự án điện đã triển khai đã thể hiện được khát vọng vượt khó đi lên của những người lao động Dầu khí.

Điển hình thứ nhất chính là Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1. Dự án được đặt tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang là một trong các dự án trọng điểm theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến 2030, Petrovietnam được giao làm Chủ đầu tư với tổng mức đầu tư là 43.043 tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ USD. Dự án có công suất 1.200 MW với quy mô tổng diện tích là 115,2ha, sử dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới hiện nay với Lò than phun đốt trực tiếp, thông số siêu tới hạn và các chỉ tiêu cao về hiệu suất, độ ổn định, an toàn, đáp ứng tốt các điều kiện phát thải theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế; thân thiện, bảo vệ môi trường do áp dụng các công nghệ giảm phát thải NOx, lọc bụi, khử SOx, xử lý nước thải hiện đại.

Trước các biến động của nền kinh tế trong nước và thế giới, đặc biệt dự án được thi công xây dựng trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đã gây ảnh hưởng đến công tác triển khai Dự án. Có những thời điểm, do dịch bệnh không điều động được chuyên gia nên một số nhà thầu nước ngoài đã tạm ngừng cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, trong giai đoạn từ cuối năm 2020 đến tháng 12/2021, ngay cả việc cung ứng vật tư thiết bị, nhân lực trong nước thi công trên công trường cũng gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn cao điểm thực hiện giãn cách xã hội.

Trên tinh thần chủ động, chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp ứng phó với Covid -19, Petrovietnam đã bình tĩnh chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, vừa nghiêm ngặt “nhiều vòng - nhiều lớp” để kiểm soát rủi ro, vừa thường xuyên đánh giá các biến động để kịp thời cập nhật, linh hoạt, phù hợp tình hình dịch bệnh từng giai đoạn. Cùng với đó, Tập đoàn cũng đã triển khai chiến dịch tiêm chủng sớm, kết hợp với tập trung nguồn lực, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa về nhân lực và trang thiết bị cho dự án và hệ thống y tế phòng chống dịch bệnh trên công trường Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, đảm bảo phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh, duy trì thông suốt công tác triển khai dự án.

Với những giải pháp đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, phù hợp, với nhiệt huyết của Người dầu khí và sự nỗ lực phấn đấu, ngày đêm lao động quên mình của đội ngũ CBCNV Ban Quản lý Dự án, Nhà thầu, dự án đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ với: hơn 2,28 triệu m3 đất, cát được đào, đắp; hơn 211.000 m3 bê tông được thi công; hơn 54.00 tấn thép kết cấu và hơn 77.000 tấn thiết bị được lắp đặt. Dự án đã hoàn thành với chi phí dự kiến gần 42.000 tỷ đồng tiết kiệm dự kiến khoảng 500 tỷ đồng so với TMĐT đã được phê duyệt. Mốc tiến độ hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt, thử nghiệm và kết thúc chạy tin cậy Đối với Tổ máy 1: vào ngày 16/10/2021; Đối với Tổ máy 2: vào ngày 27/01/2022.

Dự án đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá rất cao trong mỗi đợt kiểm tra. Và đặc biệt là kết quả đo đạc thực tế các thông số đảm bảo về công suất phát điện, suất hao nhiệt tinh, điện tự dùng, hiệu suất, nồng độ NOx, SOx đều đã đạt và tốt hơn so với yêu cầu của hợp đồng EPC đã ký, đây là những bằng chứng thuyết phục nhất để khẳng định chất lượng của công trình.

Lãnh đạo Tập đoàn, Ban QLDA chứng kiến Tổ máy số 2 NMNĐ Thái Bình 2 thành công đốt lửa lần đầu

Lãnh đạo Tập đoàn, Ban QLDA chứng kiến Tổ máy số 2 NMNĐ Thái Bình 2 thành công đốt lửa lần đầu

Điển hình thứ hai là Dự án NMNĐ Thái Bình 2, được đặt tại xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình trên diện tích 131,74 ha, là dự án trọng điểm theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011–2020 có xét đến 2030 được Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm Chủ đầu tư. Với tổng mức đầu tư 41.799 tỷ đồng, công suất 1.200 MW, Nhà máy được thiết kế sử dụng công nghệ lò than phun đốt trực tiếp, tuần hoàn tự nhiên với thông số cận tới hạn và các chỉ tiêu cao về hiệu suất, độ ổn định, an toàn, các điều kiện phát thải theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế; thân thiện, bảo vệ môi trường với các công nghệ lọc bụi, giảm phát thải NOx, khử SOx, xử lý nước thải hiện đại. Dự án do Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam là Tổng thầu EPC; Liên danh nhà thầu Sojitz (Nhật Bản) - Dealim (Hàn Quốc) là Nhà thầu cung cấp thiết bị chính, được khởi công xây dựng từ ngày 01/3/2011.

Do nhiều nguyên nhân, việc triển khai Dự án bị chậm, kéo dài nhiều năm, đặc biệt, có thời điểm bị “đóng băng” do vướng mắc liên quan đến pháp lý và nguồn vốn. Những khó khăn chồng chất, như máy móc thiết bị đã lắp đặt quá lâu có thể bị hư hỏng; ngân sách của dự án được lập nhiều năm trước, biến động giá cũng như phải bảo dưỡng thay thế các hạng mục dẫn đến rất khó kiểm soát, nguy cơ thiếu hụt lớn; năng lực của nhà thầu chính PETROCons qua nhiều sự cố là rất hạn chế, thua lỗ lớn; niềm tin của các đối tác, nhà thầu và người dân địa phương đối với dự án rất thấp, tâm lý của người lao động sau các sự cố pháp lý rất lo lắng, nhiều nhân sự chủ chốt, có năng lực đã dời khỏi dự án…

Trước bối cảnh khó khăn đặc biệt nêu trên, với ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án, các cấp Lãnh đạo Trung ương, Chính phủ, Lãnh đạo các Ban/Bộ/Ngành, UBQLVNN và tỉnh Thái Bình đã quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt với tinh thần khắc phục khó khăn để khôi phục dự án. Đặc biệt, từ tháng 7/2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt, sát sao, đồng thời thường xuyên động viên, chia sẻ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc với mục tiêu “hồi sinh” Dự án, sớm đưa vào vận hành, tránh lãng phí nguồn lực, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình nói riêng và khu vực Bắc Bộ nói chung.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo đó, Tập đoàn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng, đặc thù, đột phá, tập trung vào 5 nhóm lớn. (1) Trước hết là công tác quản trị dự án và tổ chức nhân sự, xác định rõ mục tiêu, kế hoạch khôi phục dự án, thống nhất tất cả các lực lượng tham gia dự án với tinh thần “Một đội ngũ, một mục tiêu”, lựa chọn, điều động/bổ nhiệm cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, bản lĩnh giữ vai trò Lãnh đạo Ban QLDA và Tổng thầu, giao trách nhiệm rõ ràng, phân cấp triệt để cho người đứng đầu Ban QLDA và Tổng thầu; kiện toàn hệ thống quản lý, kiểm soát an toàn, chất lượng toàn diện; rà soát, thống nhất, điều chỉnh các quan hệ pháp lý và tổ hợp các hạng mục tối ưu, chặt chẽ hiệu quả theo quy định; Về kỹ thuật đã rà soát đánh giá kỹ lưỡng tình trạng máy móc, thiết bị có phương án bảo dưỡng, mua sắm và xử lý đồng bộ; trên cơ sở đó lập lại đường găng tiến độ làm cơ sở theo dõi, quản lý, giám sát từng mốc quan trọng của dự án. Về chi phí đã triển khai rà soát chặt chẽ, tối ưu, xây dựng phương án kiểm soát bảo đảm cân đối đủ nguồn, dòng tiền trên cơ sở không vượt TMĐT. Về nguồn lực hỗ trợ, Tập đoàn đã huy động các chuyên gia có tay nghề, trình độ cao trong ngành hỗ trợ về bảo trì, bảo dưỡng, chạy thử; hỗ trợ kịp thời vật tư dự phòng từ các đơn vị; huy động nguồn tài chính từ phúc lợi của Tập đoàn để động viên, khen thưởng, tổ chức phát động thi đua về đích các mốc quan trọng của dự án để tạo không khí phấn khởi, tin tưởng cho người lao động và các nhà thầu trên công trường.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Quốc hội, các Bộ, ngành, tỉnh Thái Bình, Petrovietnam cắt băng khánh thành NMNĐ Thái Bình 2

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Quốc hội, các Bộ, ngành, tỉnh Thái Bình, Petrovietnam cắt băng khánh thành NMNĐ Thái Bình 2

Với phương châm “một đội ngũ, một mục tiêu” cùng những giải pháp đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, phù hợp, được tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ; với nhiệt huyết của Người dầu khí và sự nỗ lực phấn đấu, ngày đêm lao động quên mình của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân Ban Quản lý Dự án, các đơn vị trong Tập đoàn, các Nhà thầu, dự án đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, pháp lý, tâm lý, dịch bệnh Covid-19, thậm trí cả sự nghi ngờ trong ngoài, hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ với chi phí không vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt.

Tổ máy 1 đã hoàn thành công tác chạy thử, nghiệm thu vào ngày 05/02/2023; Tổ máy 2 đã hoàn thành công tác chạy thử, nghiệm thu vào ngày 14/4/2023. Và ngày 27/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chính thức phát lệnh khánh thành nhà máy, chính thức đánh dấu sự thành công của quá trình "hồi sinh" dự án.

Trong giai đoạn chạy thử nghiệm thu, các tổ máy đã phát điện lên lưới điện quốc gia hơn 1 tỷ kWh, dự kiến thu về khoảng hơn 1.000 tỷ VNĐ. Ngày 10/5/2023, Nhà máy đã được EVN có văn bản đề nghị huy động phát điện thương mại.

Dự án cũng đã được Hội đồng kiểm tra Nhà nước đánh giá rất cao trong mỗi đợt kiểm tra. Kết quả đo đạc thực tế các thông số đảm bảo về công suất phát điện, suất hao nhiệt tinh, điện tự dùng, hiệu suất, nồng độ NOx, SOx đều đã đạt và tốt hơn so với yêu cầu của hợp đồng EPC đã ký, đây là những bằng chứng thuyết phục nhất để khẳng định chất lượng của công trình.

Có thể nói Dự án NMNĐ Sông Hậu 1, Thái Bình 2 hoàn thành đi vào hoạt động đã đáp ứng mục tiêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế xã hội; nâng tổng công suất các nhà máy điện vận hành của Petrovietnam , tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế của PVN là nhà sản xuất điện lớn thứ 2 tại Việt Nam. đồng thời, qua đó đã giúp cho Tập đoàn tích lũy thêm bài học kinh nghiệm, củng cố năng lực, thực hiện thành công các dự án khó khăn, phức tạp hơn, góp phần xây dựng và phát triển Tập đoàn đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam vững mạnh hơn.

Tiếp nối thành công và các kinh nghiệm xử lý trong quá trình đầu tư Dự án NMNĐ than Sông Hậu 1, Thái Bình 2, đội ngũ CBNV Cơ quan Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và CBCNV Ban Đ&NLTT tiếp tục phát huy tinh thần, đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khác, như NMNĐ Long Phú 1, sớm vận hành, phát huy tối đa tiềm năng của Ngành Dầu khí, góp phần quan trọng trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Doãn Ngọc Khoa


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​