Rõ quyền lợi và nghĩa vụ của PVN
Tại dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Bộ Công thương rà soát, chỉnh sửa một số nội dung về quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định hiện hành. Xung quanh nội dung này, có ý kiến cho rằng, cần thể hiện rõ hơn địa vị pháp lý của PVN là công ty dầu khí quốc gia, đại diện cho nước chủ nhà trong ký kết, quản lý, giám sát việc triển khai hợp đồng dầu khí.


Người lao động dầu khí luôn giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết, cống hiến, khát vọng phát triển đất nước
Nguồn: PVN

Theo đại diện Bộ Công thương, quyền và nghĩa vụ của PVN đã được rà soát, chỉnh sửa phù hợp. Theo đó, PVN có quyền tổ chức triển khai điều tra cơ bản về dầu khí trên toàn bộ lãnh thổ đất liền, hải đảo và vùng biển của Việt Nam; phê duyệt các chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí, tìm kiếm thăm dò dầu khí bổ sung, tận thăm dò dầu khí; phê duyệt điều chỉnh kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí, kế hoạch phát triển mỏ dầu khí, kế hoạch thu dọn công trình dầu khí… 

Bên cạnh đó, PVN còn thực hiện quyền giám sát công tác thiết kế, xây dựng công trình dầu khí; tổ chức bán phần sản phẩm của nước chủ nhà cùng với phần sản phẩm của PVN với tư cách là bên nhà thầu, khai thác được theo hợp đồng dầu khí, được phép bán chung sản phẩm này với các nhà thầu khác trong hợp đồng dầu khí theo quy định. Tham gia vào các hợp đồng dầu khí cùng với doanh nghiệp có vốn góp của PVN để thực hiện các hoạt động dầu khí tại các lô dầu khí theo quy định của Luật này và được tiếp nhận hợp đồng dầu khí của các lô dầu khí mà Thủ tướng Chính phủ giao tiếp tục thực hiện hoạt động dầu khí khi nhà thầu nước ngoài bàn giao cho nước chủ nhà. 

Nghĩa vụ của PVN cũng được chỉ rõ trong dự thảo Luật Dầu khí. Đơn cử như tổ chức điều hành khai thác hợp lý và có hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí, bảo vệ tài nguyên môi trường và bảo đảm an toàn trong hoạt động dầu khí, thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến khai thác nguồn tài nguyên quốc gia theo quy định của pháp luật. Thực hiện đúng các cam kết, nghĩa vụ theo hợp đồng dầu khí mà Tập đoàn tham gia với vai trò bên nhà thầu. PVN có nghĩa vụ báo cáo các hoạt động dầu khí; đề xuất các giải pháp, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc hoạch định chính sách, chiến lược, định hướng liên quan đến việc tổ chức khai thác hợp lý và có hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí, bảo vệ tài nguyên môi trường và phát triển bền vững…

Tuy nhiên, xung quanh nội dung này, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục để PVN/doanh nghiệp nước ngoài tham gia với vai trò nhà đầu tư trong hợp đồng; xem xét quy định về thời hạn (60 ngày đến 120 ngày) so với thời hạn của một số quốc gia khác trong khu vực (Indonesia, Myanmar…) và so với thời hạn phê duyệt Báo cáo kế hoạch đại cương phát triển mỏ (ODP) của nhà thầu…

Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định Hội đồng Thành viên PVN có nghĩa vụ ban hành quyết định đầu tư, quyết định chuyển nhượng/nhận chuyển nhượng tương ứng với phần vốn góp của PVN trong dự án dầu khí, hợp đồng dầu khí; hoặc chấp thuận/phê duyệt dự án để doanh nghiệp 100% vốn góp của PVN quyết định đầu tư, quyết định chuyển nhượng/nhận chuyển nhượng tương ứng với phần vốn góp của doanh nghiệp đó trong dự án, hợp đồng dầu khí (trên cơ sở các văn bản chấp thuận, phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về ký kết hợp đồng dầu khí, chuyển nhượng/nhận chuyển nhượng, thực hiện quyền tham gia của nước chủ nhà…). 

Đồng thời, cần bổ sung nhiệm vụ của PVN trong thực hiện đánh giá hiệu quả đầu tư dự án dầu khí và phương án vốn (đối với dự án phát triển khai thác dầu khí); đánh giá mức độ rủi ro đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí và phương án vốn (đối với dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí) tương ứng với phần tham gia của PVN hoặc doanh nghiệp có 100% vốn góp của PVN khi trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương hồ sơ đề nghị ký kết hợp đồng dầu khí, phê duyệt chuyển nhượng/nhận chuyển nhượng...

Đỗ Quyên
Theo daibieunhandan.vn


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​