Nhớ những cái tết tha hương
Trước thềm năm mới Quý Mão 2023, người lao động Dầu khí đã và đang làm việc trên các giàn khoan ở xa Tổ quốc chia sẻ nỗi nhớ nhà

HÀ NỘI NHỮNG NGÀY CẬN TẾT, TRONG CÁI GIÁ RÉT ĐÀU ĐÔNG THI THOẢNG LẤT PHẤT VÀI TRẬN MƯA PHÙN, VƯỜN ĐÀO NHẬT TÂN ĐÃ BẮT ĐẦU BUNG NỞ CÁNH THẮM TRONG SƯƠNG SỚM, ĐƯỜNG PHỐ ĐI LẠI CÓ PHẦN NHỘN NHỊP HƠN, THOANG THOẢNG MÙI HƯƠNG TRẦM TRONG TỪNG NGÕ PHỐ

Ôi chao cái hương vị tết của người Việt mình, muôn đời vẫn thế, cẩn trọng giữ gìn trong cái khuôn văn hóa cha ông để lại, con cháu gắng tiếp nối cho tròn nề nếp gia phong. Tự nhiên ngồi bần thần nhớ, cuộc đời có những năm tháng xa nhà, đã từng ăn những cái tết phương xa, kỷ niệm cũ ùa về, tranh thủ ghi đôi dòng, đặng để nhớ về ngày tháng cũ, trong tâm trạng bồi hồi, thấp thoáng những gương mặt anh em, có nhiều người đã không còn được ăn cái tết nào trên trần gian nữa.

Người Dầu khí và những cái tết xa quê

Cán bộ, kỹ sư dầu khí tại sa mạc Sahara

Như một tiền định, đã chấp nhận gắn bó với dự án là chấp nhận một cuộc đời nhiều thay đổi, nhất là trong lĩnh vực dầu khí, những cán bộ tham gia các dự án tìm kiếm, thăm dò luôn có nhiều cơ hội được đi đó đây, làm quen với nhiều điều mới lạ, tiếp thu nhiều nét văn hóa mới của những vùng đất đi qua, mặc dù thế, trong tâm thức người Việt, cái bản sắc lâu đời khó thay đổi mỗi khi mùa xuân đến, lòng lại rưng rưng đón tết cổ truyền, nỗi nhớ nhà cứ dâng lên, dâng lên, đầy trong tròng mắt là những giọt nước nguyên sơ, thấm vị muối của đời biển sông đất mẹ.

Tôi nhớ những ngày tháng ở Algeria, khi tham gia dự án thăm dò dầu khí ở sa mạc Sahara, cứ đến tết là anh em lại nhắc nhau, tết này ai ở lại, ai về, ai sẽ sang với những bánh chưng, giò chả, ai sẽ được lãnh đạo dự án lì xì bằng những món quà rất đẹp và dễ thương. Rồi không đợi phân công, tự mỗi người thấy có trách nhiệm của mình, làm được gì cho dự án, cho anh em thì làm, miễn là công việc hoàn thành mà anh em trực có một cái tết xa nhà đầm ấm..

Người Dầu khí và những cái tết xa quê

Anh Nguyễn Hùng Sơn (bìa phải) cùng Giám đốc Dự án giai đoạn 009-2011 Lê Bá Tuấn dịp Tết 2009 tại Algeria

Tôi nhớ anh Quang Hùng, phụ trách văn phòng, thường kêu lái xe chở lên tận vùng núi Blida để tìm cho được những cành hoa mận đỏ, khá giống hoa đào, để mang về cắm lọ lục bình chưng tết. Anh Vĩnh bếp trưởng luôn chuẩn bị một chú gà trống hoa mơ để luộc cúng giao thừa, cái bát ăn cơm hằng ngày, đổ vài vốc gạo là thành bát hương, rồi bánh chưng, thịt lợn, giò chả, măng miến, dưa hành... ở Việt Nam mang sang, dự trữ từ tháng Chạp, đủ để làm một mâm cỗ khang trang. Đúng thời khắc giao thừa, anh em đứng xếp hàng trước cái bàn nhỏ, có bình hoa đào, có mâm cỗ cúng, có chú gà trống hoa mơ miệng ngậm hoa hồng, lãnh đạo dự án thắp nén hương lầm rầm khấn vái, mong cho anh em và gia đình được bình an, dự án triển khai hanh thông thuận lợi. Trong cái không gian bảng lảng khói hương ấy, những gã đàn ông hiên ngang trong sa mạc bỗng trở nên hiền lành, lòng như mềm lại, đâu đó có những giọt nước mắt rơi. Họ nhìn nhau, thấy những đồng nghiệp xung quanh bỗng chốc trở nên gần gũi, tựa như một gia đình. Rồi giây phút xúc động qua nhanh, mọi người cùng nâng cốc chúc tụng nhau những điều tốt đẹp đầu năm mới. Anh Hùng “mít” đọc thơ, bài thơ của một kỹ sư khoan không có những từ hoa mỹ, vần điệu cũng gập ghềnh nhưng ý tứ thì dạt dào chan chứa. Tôi nhớ mãi câu thơ “Khi chúng tôi ở đây đón giao thừa/ Mặt trời còn đang cháy đỏ”, ấy là do lệch múi giờ giữa hai đất nước, khi ở nhà giao thừa thì ở Algeria, đồng hồ mới 6 giờ chiều, mặt trời Địa Trung Hải vẫn còn chênh chếch đằng xa, xiên những ánh nắng qua ô cửa kính vào nơi anh em quây quần đón Tết.

Những năm có lãnh đạo tổng công ty sang thăm, chúc tết vui vẻ hơn nhiều, anh em được thêm đồ ăn, thêm quà, lại được đi chơi trên núi tuyết Chrea, ở đó có những triền thông đại thụ, có những ông lão bán nước chè đường thả vài cọng bạc hà, có cả những căn nhà gỗ bỏ hoang để nhóm lên đống lửa, tất cả đứng vòng quanh, chuyền tay nhau chai rượu, trong giá rét căm căm mà bỗng thấy ấm lòng, không biết vì rượu cay nồng, vì ngọn lửa bập bùng hay vì tình cảm anh em đồng nghiệp, có lẽ là cả ba thứ cùng gộp lại, khiến ai nấy da thì đỏ hồng còn mắt lại đỏ hoe.

  Người Dầu khí và những cái tết xa quê

Năm 2015, tôi có cơ hội được làm việc tại Campuchia trong một dự án tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở Kampong Thom, trên đất liền, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 150km. Tết ở đây khác với tết ở Algeria, một mặt do tôn giáo khác nhau, một nơi Hồi giáo, một nơi Phật giáo, một mặt do yếu tố lịch sử và địa lý nên có cộng đồng người Việt và người Hoa khá đông. Vì vậy, không khí tết tràn ngập, đường phố đông vui, chăng đèn kết hoa, những chậu mai vàng được chuyển từ Việt Nam sang rộn ràng khoe sắc. Những ngày tết vẫn có những hoạt động như tết cộng đồng do Đại sứ quán tổ chức, lễ dâng hương các liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam ở tượng đài trước Hoàng cung, rồi thăm hỏi các cơ quan ngoại giao, thương vụ, quân vụ... Bà con Việt kiều đông nên cũng quây quần, tụ tập vui vẻ trong những ngày này. Nhớ có cái tết, chúng tôi ra tận tượng đài Độc lập ghi hình lời chúc tết của đại diện dự án gửi về tổng công ty để chiếu trong sự kiện mừng Xuân. Tuy có nhiều khó khăn vất vả, anh em ít người nhưng rất đoàn kết, lại được lãnh đạo quan tâm, nên mùa xuân qua đi trong yên ả, chân tình.

Cuối năm 2017, tôi chuyển công tác về Sài Gòn, làm việc tại Công ty Điều hành Thăm dò Khai thác Dầu khí trong nước (PVEP POC), dù vẫn xa nhà nhưng đến tết vẫn được về thăm gia đình, được hưởng cái tết đoàn viên. Dù thế, tôi vẫn không thể quên cái không khí tết phương Nam, khi mai vàng trổ bông rực rỡ, từng đoàn ghe chở bông và cây cảnh từ Sa Đéc, Cần Thơ về đậu trên bến Bình Đông. Rồi đường hoa Nguyễn Huệ có thiết kế quy hoạch chủ đề theo từng năm con giáp, là nơi du xuân của mọi người. Hàng quán trong tết vẫn mở bán bình thường, có điều vắng hơn ngày thường chút xíu, do người dân tỉnh về quê ăn tết, rồi vài bữa lại lên, đến ngày mùng 5 coi như hết tết, không như miền Bắc, tháng Giêng là tháng ăn chơi...  

Người Dầu khí và những cái tết xa quê

Tháp đuốc từ hệ thống khai thác mỏ Bir Seba rực sáng trên sa mạc Sahara

Bài viết: Nguyễn Hùng Sơn

  Đồ họa: Quy Quang


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​