Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Đề nghị không mở rộng phạm vi áp dụng của Luật
Góp ý với dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhiều đại biểu đề nghị không mở phạm vi áp dụng, điều chỉnh của Luật. Có đại biểu cho rằng, cần quy định để đảm bảo không thất thoát tiền bạc của nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, nhưng cũng cần đảm bảo quyền định đoạt tài sản, tính linh hoạt...

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quốc hội

Sáng 24/5, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 99 điều (giữ nguyên số chương, tăng thêm 1 điều). Trong đó: bỏ 5 điều và thêm 6 điều, giữ nguyên 21 điều, sửa đổi nội dung 48 điều, chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản 20 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng: Rà soát, chỉnh lý phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Luật Đấu thầu với các luật có liên quan; Rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng; Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua; Quy định rõ các hành vi bị cấm, các ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu; Luật hóa những nội dung đã được quy định ở văn bản dưới luật đã thực hiện ổn định; Quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, bên mời thầu, bên dự thầu.

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Đề nghị không mở rộng phạm vi áp dụng của Luật

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh. Ảnh: Quốc hội

Về các nội dung cụ thể của Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bãi bỏ các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu đã được áp dụng ổn định trong thời gian qua để tránh các xáo trộn không cần thiết.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh, qua quá trình nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật, hầu hết các ý kiến khác nhau đã được trao đổi thống nhất, có một nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và dự án sử dụng vốn nhà nước.

Tại phần thảo luận, nhiều đại biểu đã đưa ra góp ý đối với dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) như: Cần quy định chặt chẽ phù hợp với thực tiễn về hành vi chuyển nhượng thầu trong luật; Cần đảm bảo tính rõ ràng, cụ thể trong văn bản luật; Cần làm rõ một số hành vi bị cấm; Đánh giá tác động trường hợp doanh nghiệp nắm giữ 50% vốn điều lệ; Cần có quy định kiểm soát giá trần với nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn; Bổ sung nội dung quy định về trách nhiệm thanh toán của chủ đầu tư… Đặc biệt về phạm vi áp dụng, tiếp tục thu hút nhiều đại biểu cho ý kiến.

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi): Đề nghị không mở rộng phạm vi áp dụng của Luật

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình). Ảnh: Quốc hội

Góp ý với dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) về vấn đề này, Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đề nghị không mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp nhà nước. Theo Đại biểu Phan Đức Hiếu, nếu mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của Doanh nghiệp nhà nước thì đồng nghĩa với việc mở rộng thêm 4 nhóm đối tượng áp dụng Luật Đấu thầu, đây là phạm vi rất rộng.

Đồng thời, ĐBQH Phan Đức Hiếu cho rằng, Luật Đấu thầu không phải là công cụ duy nhất quản lý doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh đó còn có các cơ chế giám sát khác, do đó không nên mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp nhà nước.

Theo đại biểu, nếu áp dụng cứng nhắc việc mở rộng phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với công ty con của doanh nghiệp nhà nước thì có thể làm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ảnh hưởng lợi ích của nhà đầu tư, lợi ích của Nhà nước. Đại biểu bày tỏ lo ngại sự tác động việc áp dụng Luật Đấu thầu cho công ty con của doanh nghiệp nhà nước đến cả thị trường chứng khoán, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.

Tranh luận tại phiên họp về phạm vi điều chỉnh của Luật, Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho rằng cần khuyến khích việc tham gia các hoạt động đấu thầu, nhưng không có nghĩa là các hình thức lựa chọn nhà cung cấp khác là không ưu việt. Cần quy định để đảm bảo không thất thoát tiền bạc của nhà nước, đảm bảo công khai, minh bạch, nhưng cũng đảm bảo quyền định đoạt tài sản, tính linh hoạt, khuyến khích xã hội hóa.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, về đối tượng áp dụng, cần quy định theo Phương án 1 như Chính phủ đã trình, theo đó, cần bãi bỏ quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013.

Ngoài ra, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh ( Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) cho rằng chỉ nên góp ý, xem xét Luật Đấu thầu (sửa đổi) là một Luật quy định về hình thức chứ không phải một Luật quy định về nội dung, để tránh chồng lấn với các Luật khác có liên quan… Do vậy, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị cần xem xét lại phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) bởi nội dung rất nhiều lĩnh vực đặc thù...

Vũ Hải (t/h)


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​