Con đường phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu Việt Nam (Kỳ 3)
Nhiều người thường ví von, mỗi kỹ sư lành nghề trong lĩnh vực lọc hóa dầu có giá trị còn hơn vàng ròng. Bởi lẽ mỗi kỹ sư lành nghề đều tiêu tốn rất nhiều công sức, tiền bạc đào tạo của đơn vị chủ quản. Và còn bởi những giá trị mà họ đem lại từ những sáng kiến, sáng tạo trong quá trình làm việc.

Trong suốt quá trình vận hành NMLD Dung Quất, những kỹ sư ở đây đã từng bước làm chủ công nghệ lọc hóa dầu, không phụ thuộc vào chuyên gia nước ngoài. Khi đã làm chủ công nghệ, nhân sự đạt trình độ quốc tế, khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam tới tầm vóc khu vực không phải chuyện xa xôi. 

Kỳ 3: Làm chủ công nghệ lọc, hóa dầu


Chuyến nhập dầu đầu tiên của NMLD Nghi Sơn.

Con người là giá trị cốt lõi

Cuối tháng 8/2017, trên vùng biển gần Hòn Mê thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, tàu chở dầu siêu trọng Millenium mang quốc tịch Panama, chở theo 270.000 tấn dầu thô đã cập Bến phao nhập dầu 1 điểm neo (SPM) của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đây là chuyến nhập dầu để chạy thử NMLD Nghi Sơn, thời khắc đánh dấu một bước tiến quan trọng của NMLD Nghi Sơn, chuẩn bị sẵn sàng cho việc sản xuất ra các sản phẩm lọc hóa dầu cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Con tàu siêu trọng này tiếp cận phao SPM của NMLD Nghi Sơn để bơm dầu qua 2 đường ống nổi, sau đó dầu sẽ được chuyển xuống 2 đường ống ngầm dưới biển, mỗi đường ống dài 35km để tới thẳng các bể chứa của nhà máy. Thời tiết trước đó không thuận lợi, tàu Millenium đã phải chờ ngoài khơi Thanh Hóa nhiều ngày để có thể tiến hành bơm dầu. Tất cả các quy trình, lắp đặt thiết bị cho việc quan trọng này đều được các nhân sự NMLD Dung Quất đào tạo, chuyển giao cho nhân sự NMLD Nghi Sơn.

Đào tạo được một kỹ sư lọc hóa dầu lành nghề không phải chuyện đơn giản. Tại NMLD Dung Quất, để một công nhân có thể thực hiện công việc vặn một cái van trong NMLD, phải được đào tạo ít nhất 2-3 năm. Một kỹ sư ngồi ở phòng điều khiển trung tâm của nhà máy tham gia quá trình vận hành nhà máy cũng cần có 4-6 năm học tập, đi đào tạo trong nước, ngoài nước và thực hành hiện trường. Đó là yêu cầu bắt buộc bởi tính chất đặc thù ngành nghề lọc dầu vô cùng khắt khe, theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Thế nhưng, sau quá trình vận hành nhà máy, các kỹ sư của NMLD Dung Quất đã từng bước nghiên cứu, phân tích đánh giá các điểm ảnh hưởng đến cơ cấu sản phẩm từ đó xây dựng quy trình tính toán tối ưu kế hoạch vận hành. Những nghiên cứu này đã giúp NMLD Dung Quất chủ động trong việc lập kế hoạch sản xuất tối ưu trong điều kiện dầu thô chế biến ngày càng đa dạng, đảm bảo cơ cấu và chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Các thành quả nói trên là minh chứng rõ nét về khả năng làm chủ công nghệ, vận hành nhà máy lọc hóa dầu của BSR, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của nguồn nhân lực thuộc khâu sau của ngành Dầu khí Việt Nam. Mặc dù đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp quản và vận hành nhà máy, tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên NMLD Dung Quất không "ngủ quên" trên chiến thắng, luôn tỉnh táo nhìn về phía trước, nhận diện rõ sự cạnh tranh khốc liệt và những rủi ro trong tương lai.

Xuất khẩu “chất xám”

NMLD Nghi Sơn là một dự án tổ hợp lọc hóa dầu có công suất lên tới 10 triệu tấn/năm, quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, được xây dựng tại Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. NMLD Dung Quất đã hỗ trợ và đóng góp không nhỏ đối với sự thành công tính đến thời điểm này của Nghi Sơn. Trong thời gian gần 2 năm, từ tháng 7/2014 đến tháng 5/2016, đơn vị quản lý NMLD Dung Quất là BSR đã ký hợp đồng trực tiếp đào tạo thực tế tại chỗ cho 627 nhân sự của NSRP tại NMLD Dung Quất. Các học viên của NMLD Nghi Sơn đã được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp và được trang bị đầy đủ từ các kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất về các tác vụ hằng ngày trong ca làm việc cho đến các quy trình có độ phức tạp, chuyên môn cao hơn như quy trình dừng/khởi động và nhiều quy trình xử lý sự cố khẩn cấp của nhà máy lọc hóa dầu.


Các kỹ sư tại NMLD Dung Quất tham gia diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu.

BSR cũng đã cử hàng trăm lượt nhân sự, chuyên gia giỏi tham gia vào các đợt hỗ trợ kiểm toán BMC nhằm rà soát và tư vấn hoàn thiện hệ thống quy trình, hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng, kiểm soát chất lượng... của NMLD Nghi Sơn. Đồng thời, các chuyên gia BSR cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý giá liên quan đến công tác chuẩn bị chạy thử, chạy thử và chạy nghiệm thu nhà máy; công tác điều độ, tối ưu hóa quá trình sản xuất, nhập dầu thô và xuất bán sản phẩm; công tác quản lý chất lượng sản phẩm... Qua quá trình làm việc trực tiếp, NMLD Nghi Sơn đã đánh giá rất cao nhân sự của BSR về tính chuyên nghiệp, kiến thức thực tế chuyên sâu về vận hành nhà máy, công nghệ lọc hóa dầu và hơn cả là sự chia sẻ một cách tận tình, chu đáo của các kỹ sư, chuyên gia của NMLD Dung Quất.

Xuất khẩu “chất xám” đang là một điểm sáng của BSR. Hay nói cách khác, một kỹ sư giỏi không chỉ là vốn quý của một NMLD, trung tâm đào tạo, trường học mà tài năng quý đó được sử dụng hiệu quả ở nhiều nơi thông qua các hình thức như hỗ trợ kỹ thuật ngắn hạn, biệt phái một thời gian, trao đổi chuyên gia… Vươn ra biển lớn, trở thành công ty tầm cỡ ở khu vực là tầm nhìn, là nhiệm vụ của BSR. Để làm được điều đó, con người là yếu tố quyết định. Vậy làm thế nào để có được những chuyên gia giỏi theo chuẩn quốc tế làm trụ cột và động lực cho sự phát triển của BSR?

Để làm được điều đó, Hội đồng Thành viên BSR ra Nghị quyết 2562/NQ-BSR ngày 25/9/20012 phê duyệt dự án tuyển chọn và đào tạo đội ngũ chuyên gia của BSR. Số lượng chuyên gia cần đào tạo là 44 chuyên gia, thời gian đào tạo từ quý IV/2012 đến năm 2025. Mục tiêu của dự án này là tổ chức tuyển chọn và đào tạo đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, am hiểu chuyên sâu về lĩnh vực sản xuất, các chuyên ngành trong công ty; có kinh nghiệm và có khả năng dự báo, xử lý sự cố, tình huống phức tạp ảnh hưởng đến quá trình vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả cho công ty; dần thay thế, giảm phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài và tiết kiệm chi phí cho công ty.

Đào tạo chuyên gia tầm quốc tế

Con đường từ một kỹ sư trở thành một chuyên gia là một con đường dài với rất nhiều nỗ lực, sự cố gắng. Phát triển một nhân sự kỹ thuật lành nghề là hết sức công phu với khoản đầu tư không hề nhỏ, phát triển một nhân sự tầm cỡ chuyên gia quốc tế đòi hỏi gấp nhiều lần như thế. Kỹ sư Nguyễn Trung Kiệt, Ban Bảo dưỡng sửa chữa BSR là một trong 7 chuyên gia đầu tiên của BSR cho biết: Các ứng viên được sơ tuyển qua các ban chuyên môn rồi trải qua kỳ thi tuyển đầu vào của Chương trình phát triển chuyên gia. Kỳ thi đầu vào gồm có kiểm tra trí thông minh (IQ testing), thi chuyên môn bằng tiếng Anh, thi tiếng Anh. Kỳ thi này cần phải đạt mức điểm cần thiết, nhất là phần chuyên môn phải vượt qua được các ứng viên khác và đạt điểm tối thiểu để trở thành “hạt giống”, để công ty đặt niềm tin vào khoản đầu tư rất lớn, để một hành trình được bắt đầu.

Sau đó là trải qua kỳ sát hạch của các chuyên gia đến từ Tập đoàn Petronas (Malaysia). Kỳ thi này phải trả lời trực tiếp các câu hỏi do chuyên gia quốc tế (đến từ Petronas, Shell Global, BP) đưa ra. Vòng thi này khá căng thẳng và khó khăn vì các chuyên gia nước ngoài là những người giàu kinh nghiệm, là chuyên gia của các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới, các câu hỏi đặt ra là hóc búa và rất sâu về chuyên môn. Và đặc biệt, ứng viên phải trả lời bằng tiếng Anh. Vòng sát hạch này sẽ chỉ ra những điểm còn non cần học hỏi và phát triển của ứng viên và đề ra lộ trình học hỏi, rèn luyện để đạt yêu cầu.


Người lao động BSR

Khi đã qua vòng phỏng vấn thứ nhất sẽ đến tiếp vòng phỏng vấn thứ hai cũng do các chuyên gia quốc tế thực hiện. Vòng này về cơ bản là giống lần phỏng vấn đầu tiên về các năng lực cần đo, ở vòng này, chuyên gia sẽ đo lường năng lực thực của ứng viên với quy định về năng lực của chuyên gia. Do đó kiến thức sẽ sâu hơn và các câu hỏi xoáy sâu vào thực tế, so sánh kiến thức kỹ năng của ứng viên với kiến thức, kỹ năng mà chuyên gia quốc tế đang áp dụng để đảm bảo rằng, năng lực của chuyên gia là thực và sử dụng hiệu quả ở tầm quốc tế.

Vượt lên được các thử thách nêu trên, ứng viên sẽ có các điều kiện cần để công nhận là chuyên gia của BSR, điều kiện đủ là chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS 6.0, số lượng và tầm cỡ của các sáng kiến cải tiến, thực hiện thay đổi trong nhà máy (MOC), hoàn thành công việc theo KPI.

Trong bất cứ ngành nghề nào, con người đều là giá trị cốt lõi. Với ngành lọc hóa dầu Việt Nam, sau hơn 40 năm thai nghén và phát triển, nhân sự của ngành đã từng bước trưởng thành làm chủ được công nghệ, bước vào hàng ngũ chuyên gia, sáng tạo những giải pháp phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Có con người và làm chủ được công nghệ, việc phát triển tầm vóc ngành lọc hóa dầu Việt Nam lên một tầm cao mới không còn là chuyện quá xa vời.

Con đường phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu Việt Nam (Kỳ 2)
Con đường phát triển công nghiệp lọc, hoá dầu Việt Nam (Kỳ 1)


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​