Dự thảo Luật Dầu khí (lần thứ 6):

“Chưa đáp ứng yêu cầu"
Dự thảo Luật Dầu khí lần thứ 6 (ngày 29.4.2022) “có tiến bộ” song “vẫn chưa phù hợp với yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Đây là nhận xét tại hội thảo "Một số vấn đề thực tiễn đặt ra trong hoàn thiện dự thảo Luật Dầu khí nhằm góp phần phát triển bền vững ngành dầu khí Việt Nam" do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức sáng 19.5

Có tiến bộ, nhưng…

Theo dự kiến, dự thảo Luật Dầu khí sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Ba khai mạc ngày 23.5 tới.

Tổng thư ký Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Huy Quý cho rằng, dự thảo Luật lần thứ 6 có nhiều tiến bộ và cơ bản tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, đặc biệt là ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc phân cấp phân quyền được thể hiện rõ trong dự thảo. Nội dung trong tờ giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công thương) cũng đã bảo đảm được yêu cầu”, Tổng thư ký Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Huy Quý bình luận.

“Chưa đáp ứng yêu cầu

Toàn cảnh Hội thảo

Tuy vậy, theo ông Quý, “nội dung trong dự thảo vẫn chưa phù hợp với tờ giải trình cũng như yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Cụ thể, theo dự thảo Luật, đối với dự án dầu khí có hoạt động đầu tư xây dựng trên đất liền, phải bổ sung các nội dung khác được quy định trong Luật Xây dựng về báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đối với các hạng mục đầu tư xây dựng trên đất liền. “Dự thảo dẫn tới diễn giải rất khác nhau và không đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chúng tôi đề xuất nếu bổ sung các điều khoản của Luật Xây dựng thì cần phải cụ thể điều nào, khoản nào để tránh chung chung”, ông Quý đề xuất.

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Lê Xuân Sang cũng cho rằng, dự thảo Luật dù đã tiếp thu ý kiến đóng góp song vẫn chưa thể hiện rõ những vấn đề mang tính thời đại, xu hướng mới như cục diện bản đồ năng lượng châu Á - nội dung có thể ảnh hưởng sâu rộng đến ngành dầu khí; việc thay đổi ứng dụng công nghệ tiên tiến, cạnh tranh giá; những nguồn năng lượng mới như đá phiến, băng cháy... Thêm vào đó, việc chồng lấn mỏ dầu với dự án khác, như dự án điện gió ngoài khơi có thể xảy ra, khi đó xử lý thế nào cũng chưa rõ. Hay về phạm vi áp dụng là ở vùng biển Việt Nam, trong khi hoạt động thăm dò, thám hiểm có thể ở nước ngoài thì Luật có nên khuyến khích không?, ông Sang đặt vấn đề.

Rõ địa vị pháp lý cho PVN

Một trong những vấn đề được quan tâm là địa vị pháp lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Trưởng Bộ phận nghiên cứu kinh tế, Viện Dầu khí Việt Nam Đoàn Văn Thuần cho biết, hiện thế giới có 4 mô hình quản lý nhà nước về dầu khí.

Thứ nhất là mô hình công ty dầu khí quốc gia vừa đóng vai trò quản lý nhà nước vừa đóng vai trò quản lý đầu tư như ở Malaysia, bởi trong Luật quy định cụ thể tập đoàn này được quyền đại diện Nhà nước sở hữu tài nguyên dầu khí, được phê duyệt tất cả quy trình liên quan đến ký kết hợp đồng cũng như triển khai hoạt động dầu khí, xử lý tranh chấp. Thứ hai là mô hình công ty dầu khí quốc gia vừa đóng vai trò quản lý nhà nước vừa đóng vai trò nhà đầu tư, thường áp dụng ở các nước có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào dầu khí như Na Uy. Khi đó, chính phủ đóng vai trò ban hành chính sách và quản lý nhà nước, còn công ty dầu khí quốc gia  hỗ trợ quản lý về mặt kỹ thuật. Thứ ba là mô hình công ty dầu khí quốc gia chỉ đóng vai trò là nhà đầu tư như ở Indonesia. Thứ tư là mô hình  không có công ty dầu khí quốc gia như ở Anh hay Mỹ.

“Chưa đáp ứng yêu cầu

Ảnh minh hoạ

Trong dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo vẫn tiếp tục duy trì mô hình thứ hai (PVN đồng thời tham gia quản lý nhà nước và giữ vai trò là nhà đầu tư), thực hiện từ năm 1993. Ông Thuần đồng tình với điều này. “Nếu như thay đổi theo mô hình tiên tiến của của Malaysia thì sẽ phải thay đổi rất nhiều quy định liên quan đến thể chế cũng như nhân lực quản lý nhà nước. Như ở Malaysia, cần 300 – 400 người để thực hiện chức năng này. Ngoài ra, việc PVN đồng thời tham gia với vai trò nhà đầu tư còn giúp tối ưu lợi ích của nước chủ nhà khi tham gia hợp đồng dầu khí. Bởi lẽ, khi đó, phần chia của phía Việt Nam bao gồm ngoài phần mà Chính phủ được nhận như các khoản thuế thì PVN còn được nhận phần với vai trò là nhà thầu”, ông Thuần phân tích. Vấn đề là, trách nhiệm của Hội đồng thành viên PVN nên quy định cụ thể trong điều lệ của Tập đoàn thay vì trong Luật (Điều 55).

FDP có phải chủ trương đầu tư?

Đại biểu đến từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước dẫn chứng, có trường hợp Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ (FDP) và doanh nghiệp dầu khí coi đó là văn bản pháp lý tối cao, nhưng khi họ trình lên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và được yêu cầu trình chủ trương đầu tư thì không có, trong khi quy định đòi hỏi phải có chủ trương đầu tư. “Luật nên làm rõ cái gì tương đương chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư, bởi điều này không chỉ liên quan việc phê duyệt dự án mà còn liên quan phê duyệt vay vốn nước ngoài, vốn điều lệ cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu FDP tương đương chủ trương đầu tư thì cần quy định rõ để có cơ sở triển khai”, vị đại diện này nêu ý kiến.

Ngoài ra, theo đại biểu này, hiện Luật Dầu khí vẫn chưa tường minh về khái niệm khi nào là dự án dầu khí, khi nào là hoạt động dầu khí và chưa đồng bộ với Luật Đầu tư. Trong Luật Đầu tư đưa ra khái niệm dự án và dự án mở rộng. Với dự án dầu khí, nếu thăm dò không thành công sẽ đóng lại, nhưng nếu thành công thì tiếp tục khai thác. Vậy đó là dự án riêng hay là dự án mở rộng khi đối chiếu sang Luật Đầu tư? Nếu không làm rõ thì sẽ khó xác định trình tự thủ tục.

Chia sẻ quan điểm Luật cần quy định rõ ràng, chi tiết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy dẫn chứng: Chọc một mũi khoan có thể mất triệu USD mà có thể có dầu hoặc không. Do vậy, chỉ khi quy định rõ mới tạo cơ chế để cán bộ thực thi.

“Chưa đáp ứng yêu cầu

Theo ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc điều hành Trung tâm SOS, Luật Dầu khí phải quan tâm tới bảo vệ môi trường

Trực tiếp chứng kiến tác động của khai thác dầu khí với môi trường, Giám đốc điều hành Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (Trung tâm SOS) Phạm Văn Sơn đề xuất, Luật Dầu khí cần quy định rõ nội dung liên quan đến kế hoạch, giải pháp phòng ngừa, ứng phó, xử lý sự cố và phải bảo đảm tính thực chất trong triển khai. Phải xây dựng đội ngũ chuyên gia có chuyên môn sâu để thẩm tra tất cả những kế hoạch đó, sau khi phê duyệt phải đi kiểm tra thực tế, tránh tình trạng chỉ thẩm tra trên giấy. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước phê duyệt kế hoạch này. Nếu không, hệ lụy không xảy ra ở mặt biển nhìn thấy được mà còn ở đáy biển và tác động tới các thế hệ sau này, ông Sơn nhấn mạnh.

Theo daibieunhandan.vn


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​