Thị trường ngày 05/09/2022
Nhóm G7 ngày 02/09 đã đạt được thỏa thuận sẽ giới hạn mức giá trần đối với dầu thô LB Nga (từ ngày 05/12/2022) và sản phẩm dầu mỏ (từ ngày 05/02/2023). Tuy nhiên, mức giá trần dự kiến ban đầu 40-60 USD/thùng có thể được xem xét điều chỉnh. G7 sẽ áp dụng cơ chế cấm cung cấp dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm dầu thô xuất khẩu đường biển, nếu giao dịch trên mức giá trần quy định. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết cũng sẽ tìm cách áp dụng giá trần dầu mỏ LB Nga trong nội khối EU và coi đây là thời điểm thuận lợi để EU đưa ra giá trần đối với khí đốt đường ống LB Nga. Mỹ, Canada, Anh, Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản năm 2021 đã nhập khẩu 215 triệu tấn dầu mỏ từ LB Nga.

LB Nga cảnh báo sẽ từ chối giao dịch dầu khí với các nước tham gia/ủng hộ liên minh giới hạn mức giá trần. Bước đầu, LB Nga dừng vô thời hạn hoạt động đường ống dẫn khí Nord Stream 1. Giá dầu Urals trung bình 8 tháng đầu năm 2022 đã tăng 26% so với cùng kỳ 2021 lên 82,13 USD/thùng, giá tháng 8 đạt 74,73 USD/thùng. So với Brent trung bình tháng 8 ở mức 97,5 USD/thùng, chiết khấu Urals so với Brent thời gian cuối giảm xuống dưới 19 USD/thùng so với 35-40 USD/thùng hồi tháng 4-5. Cũng trong tháng 8, giá dầu thô Iraq xuất khẩu bình quân đạt mức 96,05 USD/thùng, nước này đã xuất được 101,9 triệu thùng và thu về 9,8 tỷ USD.

Rystad Energy dự báo, mức chênh lệch giá khí đốt kỷ lục – 10 lần giữa châu Âu và Mỹ đang là yếu tố quyết định thúc đẩy đầu tư vào các dự án LNG mới. Các doanh nghiệp Mỹ đang hưởng lợi nhiều nhất từ lệnh trừng phạt LB Nga khi buộc EU phải gom mua LNG thay thế khí đốt đường ống Gazprom bằng mọi giá. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu LNG Mỹ đã đạt 39 tỷ m3, tăng 8 tỷ m3 so với cả năm 2021. CAPEX ước tính đạt đỉnh 45 tỷ USD/năm vào năm 2024, nhờ đó, nguồn cung LNG có thể tăng mạnh từ 380 triệu tấn năm 2021 lên 636 triệu tấn vào năm 2030, tăng lên đỉnh điểm 705 triệu tấn/năm vào năm 2034. Đối với dầu thô, theo ước tính OPEC, thế giới cần khoản đầu tư cộng dồn khổng lồ lên tới 12.000 tỷ USD đến năm 2045 để tăng công suất khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gia tăng. Đầu tư vào lĩnh vực E&P đang thiếu hụt trầm trọng, kéo dài trong thời gian dài, dẫn đến cạn kiệt công suất khai thác dự phòng.


DẦU THÔ

Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Libya bất ngờ công bố dừng hoạt động vô thời hạn. Nguyên nhân lần này có thể liên quan đến tình hình bất ổn chính trị - quân sự nội địa. Trước đó không lâu, chính phủ Libya đặt ra mục tiêu nhanh chóng phục hồi sản xuất dầu khí. Kết quả đạt được trong tháng 8 vừa qua ở mức rất tích cực, tăng từ 621.000 bpd trong tháng 7 lên gần 1,2 triệu bpd.

Theo thống kê sơ bộ, sản lượng khai thác dầu thô OPEC tháng 8 tăng 690.000 bpd so với tháng 7 lên mức cao nhất kể từ tháng 04/2020 – 29,58 triệu bpd. Tuy nhiên, các thành viên OPEC+ (dẫn đầu bởi KSA, UAE) đã phát đi tín hiệu sẵn sàng cắt giảm sản lượng để giữ giá. Báo cáo phân tích Ủy ban kỹ thuật (JTC) trước thềm cuộc họp ngày 05/09 nhấn mạnh, thặng dư nguồn cung toàn cầu năm 2022 sẽ tăng thêm 100.000 bpd lên 0,9 triệu bpd do tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ sụt giảm từ 3,4 triệu bpd xuống 3,1 triệu bpd, trong khi đó nguồn cung tăng từ 5,6 triệu bpd lên 5,8 triệu bpd. Ngoài ra, JTC dự báo thặng dư năm 2023 cũng sẽ tăng từ 0,5 lên 0,9 triệu bpd do nhu cầu không thay đổi 102,7 triệu bpd (+2,7 triệu bpd), nhưng nguồn cung tăng thêm 300.000 bpd lên 103,6 triệu bpd.

Bên cạnh đó, yếu tố Iran phụ thuộc vào tiến trình đàm phán thỏa thuận hạt nhân JCPOA có thế tăng nguồn cung thêm 1-1,4 triệu bpd. Theo thông tin mới nhất, Mỹ chưa thể đồng ý với nhượng bộ từ phía Iran mặc dù trước đó, nhiều nguồn tin đã thông báo 2 bên gần như đạt được thỏa thuận và sẽ sớm công bố kết quả. Trong trường hợp đàm phán thành công, Iran đang có sẵn từ 60-90 triệu thùng dầu trong các kho nổi neo đậu khắp thế giới (vịnh Ba Tư, ngoài khơi Singapore và gần Trung Quốc).

Thổ Nhĩ Kỳ thông báo sẽ tăng gấp 5 lần thu phí phương tiện lưu thông qua eo biển Bosphorus và Dardanelles, dựa trên điều khoản công ước Montreux. Nước này quyết định từ ngày 07/10 tới bãi bỏ hệ thống tính cước ấn định mức chiết khấu 75% có hiệu lực từ năm 1983. Dự kiến nguồn thu phí lưu thông sẽ tăng từ 40 triệu lên 200 triệu USD/năm, Bosphorus và Dardanelles là 2 điểm lưu thông xuất khẩu huyết mạch từ biển Đen, mỗi năm trung chuyển khoảng 130 triệu tấn dầu mỏ, trong đó, LB Nga chiếm 30%, Kazakhstan – 70%, đã bao gồm xuất hộ Azerbaijan và Turkmenistan. Khoản chi phí gia tăng này (160 triệu USD) chủ yếu sẽ do khách hàng nhập khẩu EU chịu. 

KHÍ ĐỐT & LNG

Giá LNG tương lai (giao hàng tháng 01/23) tại châu Á – chỉ số JKM Platts (phản ánh thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan) có thời điểm đã tăng 34% chỉ trong vòng 1 tuần lên 80,6 USD/MMBTu, tương đương hơn 2.900 USD/1000m3. Thị trường châu Á bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng gom hàng tại châu Âu, tuy nhiên, kết thúc tháng 8, giá khí đốt châu Âu đã giảm khá mạnh từ 3.600 USD/1000m3 xuống còn 2.200 USD/1000m3 nhờ thông tin hệ thống kho chứa ngầm EU (UGS) đã được bơm đầy xấp xỉ 80%, trong đó, Đức trên 83%, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Anh gần 100%. Trong điều kiện LB Nga liên tục cắt giảm nguồn cung, việc EU đạt được tỷ lệ bơm đầy UGS nhanh chóng nhờ vào tăng nhập khẩu LNG và tiết kiệm tiêu thụ khí đốt.

Số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, tiêu thụ khí đốt EU giảm 19,8% (y/y), tương đương 45 tỷ m3, nhiều nhất về tỷ lệ tại các quốc gia Baltic và Scandinavia: Phần Lan (-56,4%), Latvia (-33%), Litva (-28,8%), Đan Mạch (-22,4%), Thụy Điển (- 23,8%) và Estonia (-17,5%), về khối lượng cắt giảm nhiều nhất tại Đức – -7,3 tỷ m3 (-13,3%), Hà Lan – -6,2 tỷ m3 (-25%). Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn cảnh báo, 100% UGS chỉ đủ đảm bảo nhu cầu tiêu thụ bình thường trong vòng 80-90 ngày, nếu nguồn cung khí đốt đường ống Gazprom dừng hẳn. Động thái mới nhất từ phía Gazprom (dừng Nord Stream 1 vô thời hạn) cho thấy, LB Nga phản ứng cứng rắn với chính sách trừng phạt thù địch mới từ phía Phương Tây.

Trong bối cảnh này, Hungary và Gazprom đã ký thỏa thuận cung cấp bổ sung 5,8 triệu m3/ngày kể từ ngày 01/09 theo đường ống TurkStream. Như vậy, ngoài hợp đồng chính 4,5 tỷ m3/năm, Hungary sẽ nhận được thêm 353 triệu m3 khí đốt trong tháng 9-10 tới, đủ để trong trường hợp mùa đông khắc nghiệt và việc trung chuyển qua Ukraine có thể bị gián đoạn, hỗ trợ các nước láng giềng như Áo và Slovakia.

Gazprom tuyên bố ngừng cung cấp khí đốt cho Engie (Pháp) từ ngày 01/09 do chưa thanh toán đầy đủ tiền hàng đã giao trong tháng 7. Đến nay, Engie trung bình nhập khẩu khoảng 150 triệu m3/tháng khí đốt Gazprom, chiếm 17% tổng nhập khẩu Pháp. Ngoài ra, đáp trả các hành động phong tỏa tài sản bằng đồng EUR, Gazprom cắt giảm nguồn cung cho Eni (Ý) từ 27 triệu m3/ngày xuống còn 20 triệu m3. Gần đây, cả Pháp lẫn Ý đều đã tích cực tìm kiếm nguồn cung thay thế khí đốt Gazprom tại châu Phi (nguyên thuộc địa), trong đó, Algeria đã cam kết tăng 9 tỷ m3 cho Ý trong giai đoạn 2023-2024 và hứa hẹn xem xét đối với Pháp. 

Tuy nhiên, việc EU kỳ vọng quá nhiều vào nguồn cung tiềm năng châu Phi không thực sự khả quan. Xét về tổng thể, mọi chỉ số liên quan đến khí đốt toàn bộ châu Phi chưa bằng 1/2 LB Nga, tổng sản lượng khai thác 257 tỷ m3 mới gần tương ứng xuất khẩu LB Nga – 241 tỷ m3, tổng khối lượng xuất khẩu 96,5 tỷ m3 chỉ bằng ½ xuất khẩu LB Nga sang EU và Thổ Nhĩ Kỳ – 183 tỷ m3.

XĂNG & ĐIỆN 

Cuộc khủng hoảng nhiên liệu tại Mỹ tái bùng phát trở lại sau gần 2 tháng tạm lắng xuống. Giá diesel bình quân tăng lên trên 5 USD/gallon (1,38 USD/lít) sau thời gian khá dài sụt giảm liên tục giảm từ 5 USD/gallon xuống còn 4,2 USD/gallon nhờ biện pháp can thiệp thị trường từ dầu thô nguồn dự trữ chiến lược (SPR) với khối lượng 1 triệu bpd. Trong bối cảnh SPR sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1984, dự trữ diesel thấp hơn 25-50% mức trung bình tùy khu vực và xuất khẩu dầu mỏ sang châu Âu tăng cao kỷ lục, chính quyền Tổng thống J.Biden buộc phải kêu gọi các doanh nghiệp dầu khí Mỹ (Exxon Mobil, Valero Energy và Conoco Phillips) hạn chế xuất khẩu xăng dầu, tăng dự trữ nội địa, đồng thời cảnh báo sẽ có những biện pháp hành chính thích hợp trong trường hợp các công ty từ chối hợp tác.

Giá điện tại Pháp đã lần đầu tiên vượt 1.000 EUR/1 MWh so với trung bình 45 EUR/1 MWh vào năm 2010, EC đang xem xét khuyến nghị các quốc gia thành viên cắt giảm 15% tiêu thụ điện, tương tự chương trình cắt giảm bắt buộc khí đốt vừa được thông qua.

Hiện nay trên toàn thế giới có 439 lò phản ứng đang hoạt động trong các nhà máy điện hạt nhân và có 55 lò phản ứng đang trong quá trình xây dựng, bao gồm 16 lò phản ứng được xây dựng bởi Rosatom (tại Slovakia, Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ). Thời gian gần đây (trong điều kiện giá hydrocarbon tăng mạnh và trừng phạt LB Nga), EU và Nhật Bản đã thay đổi chính sách an ninh năng lượng – quay lại với điện hạt nhân.

LB NGA

Phó Thủ tướng phụ trách năng lượng A. Novak cho biết, sản lượng khai thác dầu thô LB Nga cả năm 2022 dự báo đạt mức 520-525 triệu tấn (năm 2021 – 524 triệu tấn). Tính đến hết tháng 8, sản lượng thực tế đã tăng 3,3% so với cùng kỳ 2021 bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có tiền lệ.

Chính phủ LB Nga đã có công văn chính thức cho phép Mitsui và Mitsubishi giữ nguyên cổ phần trong dự án Sakhalin-2, tương ứng tỷ lệ 12,5% và 10% trong VĐL nhà điều hành đăng ký mới tại LB Nga Sakhalin Energy. Trong khi đó, Shell từng sở hữu 27% cổ phần đã có văn bản từ chối tham gia vào VĐL nhà điều hành mới. Việc tiếp tục tham gia gần như không thể thực hiện khi cần có sự chấp thuận của chính phủ Anh. Như vậy, chính phủ LB Nga sẽ tiến hành định giá và bán cổ phần Shell trong vòng 4, số tiền thu được bằng RUB chuyển vào tài khoản loại đặc biệt loại C. Đồng thời, tiến hành kiểm toán các hoạt động của Shell trong thời gian qua, xác định mức tác động/gây thiệt hại đến môi trường, và bù trừ nghĩa vụ với số tiền bán cổ phần. Ngoài 27% cổ phần, Shell còn sở hữu một tài sản giá trị – hợp đồng mua 1 triệu tấn LNG/năm với giá ưu đãi đến năm 2028. Tổng thiệt hại từ việc rút khỏi Sakhalin-2 ước tính gần 5 tỷ USD. Nhiều khả năng số cổ phần của Shell sẽ được bán lại cho Gazprom (hiện đang là cổ đông nắm giữ 50% + 1 cổ phần) hoặc Novatek/Rosneft.

HĐQT Gazprom mới đưa ra khuyến nghị chi trả cổ tức đợt 1 năm 2022 ở mức 51 RUB/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ thu nhập 25% nhờ KQKD khả quan, bất chấp thị trường xuất khẩu chủ đạo – EU đang dần thu hẹp (đường ống Nord Stream 1 sau gần 1 tháng cắt giảm 80% công suất đã ngừng hoạt động vô thời hạn). Theo số liệu báo cáo sơ bộ, sản lượng khai thác khí đốt 8 tháng đầu năm 2022 giảm gần 15% (y/y) xuống còn 288 tỷ m3, xuất khẩu giảm 37,4% xuống 82,2 tỷ m3, tuy nhiên, lợi nhuận ròng tăng gấp đôi lên 2.500 tỷ RUB (41,7 tỷ USD) nhờ giá khí đốt tăng cao.

Novatek dự kiến sẽ rút khỏi dự án thăm dò thềm lục địa Lebanon hiện đang thực hiện cùng TotalEnergies và Eni sau khi giấy phép giai đoạn 1 hết hạn vào ngày 22/10 tới. Novatek sở hữu 20% lô 4 và lô 9 thềm lục địa Lebanon – phía đông Địa Trung Hải từ năm 2017, TotalEnergies (nhà điều hành, sở hữu 40%) và Eni (40%) dự kiến vẫn sẽ tiếp tục thực hiện dự án.

Một doanh nghiệp không tên tuổi đăng ký tại UAE muốn mua lại cổ phần Shell (50%) trong các liên doanh với Gazprom Neft. Công ty vận tải viển Wellnord sẵn sàng chào mua 50% cổ phần Shell trong liên doanh Salym Petroleum Development (SPD) với giá 150 triệu EUR. Wellnord đăng ký tại UAE, chuyên vận hành đội tàu chở dầu và hóa chất khu vực biển Đen, biển Caspian. Danh tính chủ sở hữu doanh nghiệp này không được tiết lộ, theo một số nguồn tin, có vốn góp của cổ đông LB Nga và Hungary.

Một cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn đầu đã diễn ra tại quảng trường trung tâm thủ đô Praha, CH Czech, yêu cầu Thủ tướng P. Fiala từ chức vì đi theo đường lối chống lại LB Nga dẫn đến khủng hoảng năng lượng. Ngoài ra, những người biểu tình cũng yêu cầu chính phủ nối lại đàm phán nhập khẩu dầu thô, khí đốt trực tiếp với LB Nga. Như chúng tôi đã đưa tin, CH Czech với vai trò Chủ tịch luân phiên EU đã phải triệu tập cuộc họp bất thường cấp bộ trưởng Năng lượng các quốc gia thành viên nhằm giải quyết vấn đề giá năng lượng tăng cao, có thể đe dọa sự tồn tại hệ thống chính trị nước này, và không loại trừ khả năng tái diễn sự kiện cách mạng xảy ra năm 1989 dẫn đến sụp đổ chế độ cầm quyền.


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​