Khả năng Venezuela giúp phương Tây giảm phụ thuộc vào dầu thô Nga
Không dễ để phương Tây trông cậy vào sự trợ giúp của Venezuela nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại Moskva năm 2018. Ảnh: Reuters

Lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga sẽ chính thức có hiệu lực tại Mỹ từ ngày 22/4. Một nước được hưởng lợi nhiều nhất từ đòn trừng phạt này là Venezuela. Theo đánh giá của tập đoàn tài chính Credit Suisse, Venezuela có thể đạt mức tăng trưởng GDP lên tới 20% trong năm nay dựa trên hai yếu tố: hiệu ứng cơ sở thấp (năm 2021 tăng trưởng thấp) và kế đến là nguồn thu từ ngành dầu mỏ. Credit Suisse nhận định sản lượng dầu thô khai thác của Venezuela có thể tăng 20% trong năm nay.

Trước thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, khai thác dầu thô của Venezuela đã có mức tăng khá. Năm 2021, quốc gia Nam Mỹ này từng ghi dấu ấn khi nâng gấp đôi mức sản lượng, lên khoảng 800.000 thùng dầu/ngày. Con số này là nhỏ so với mức 3 triệu thùng/ngày Venezuela từng đạt được trong những năm 1990, nhưng là quá nhiều để có thể thay thế mức 199.000 thùng dầu/ngày mà Mỹ nhập của Nga trong năm 2021. Một số nhà máy lọc dầu tại Mỹ được xây dựng chuyên để chế biến dầu nặng đặc trưng từ Venezuela. Số này rất khó vận hành với nguồn dầu nhập từ Saudi Arabia hay dầu đá phiến khai thác tại Mỹ.

Hiện tại, Mỹ vẫn áp dụng lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Venezuela. Tuy nhiên, ngày 5/3 vừa qua, ba quan chức cấp cao của Mỹ đã tới thủ đô Caracas và có cuộc gặp với Tổng thống Nicolas Maduro, một cuộc gặp mặt mà nhà lãnh đạo Venezuela mô tả là “tôn trọng”. Ba ngày sau đó, ông Tổng thống Joe Biden tuyên bố áp lệnh trừng phạt đối với dầu thô nhập khẩu từ Nga. Theo Elliott Abrams, nguyên đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Venezuela dưới thời Tổng thống Donald Trump, thời điểm diễn ra cuộc trao đổi tại Caracas cho thấy chính quyền Mỹ thực sự muốn có thêm nguồn dầu thô từ Venezuela.

Nếu quả thực ông Biden muốn “hòa nhịp” với Venezuela, động lực thúc đẩy không đơn thuần chỉ là vì kinh tế. Mỹ muốn khai thác cuộc chiến ở Ukraine để chia rẽ Venezuela với Nga, khi Caracas là một trong những đồng minh thân thiết nhất của Moskva. Từ năm 2009-2019, Nga đã bán cho Venezuela lượng vũ khí trị giá 9 tỉ USD. Năm 2019, khi Mỹ và nhiều nước phương Tây công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaido là Tổng thống ở Venezuela, ông Putin đã điều lực lượng quân sự tới hỗ trợ, bảo vệ ông Maduro.

Kể từ năm 2019, chính phủ Nga cũng tạo lập mạng lưới giúp Venezuela né trừng phạt của Mỹ, giúp Caracas bán dầu, bán vàng để thu ngoại tệ. Cũng trong năm 2019, Tập đoàn dầu khí quốc gia Petróleos de Venezuela (PDVSA) đã chuyển văn phòng châu Âu từ Lisbon (Bồ Đào Nha) về Moskva. Các máy bay chở tiền cất cánh từ Moskva đáp xuống Caracas, giúp chính quyền Tổng thống Maduro có được nguồn ngoại tệ, tránh sụp đổ.

Điện Kremlin cho biết trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, ông Maduro ủng hộ can thiệp quân sự của Nga ở Ukraine. Nhưng xung đột khiến quan hệ Nga-Venezuela gặp khó. Một mặt, lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào các ngân hàng Nga khiến Venezuela khó chuyển tiền từ Nga về nước - Francisco Monaldi tại Đại học Rice ở Houston, Texas (Mỹ) bình luận. Còn tại cuộc gặp với ba quan chức Mỹ ở Caracas, ông Maduro được cho là đã đề nghị Mỹ tạm thời dỡ trừng phạt ngân hàng Nga, tạo điều kiện cho Venezuela rút tiền về nước. Nhưng ý tưởng này không được Mỹ chấp thuận.

Ông Maduro có thể cũng quan ngại việc Nga sẽ là một đối thủ cạnh tranh trong hạ giá bán dầu thô vì tác động từ lệnh trừng phạt. Kể từ năm 2020, Trung Quốc là khách hàng chủ chốt nhập khẩu khẩu dầu thô của Venezuela. Nhưng giao dịch trên cung đường vận chuyển kéo dài nửa vòng trái đất này sẽ không thể cạnh tranh được với Nga, nếu Moskva mời chào tận cửa đối với Bắc Kinh.

Chính quyền Tổng thống Biden tuyên bố không có ý lôi kéo ông Maduro. Sau cuộc gặp hồi tháng 3, Tổng thống Maduro ra lệnh phóng thích hai tù nhân người Mỹ từng bị bắt làm con tin ở Caracas trước đó. Ông cũng cam kết sẽ trở lại bàn đàm phán ở Mexico để gặp gỡ với phe đối lập. Theo mạng blog Caracas Chronicles, Phó Tổng thống Delcy Rodríguez và Ngoại trưởng Venezuela Felix Plasencia dự kiến sẽ sớm có cuộc gặp với quan chức phía Mỹ tại Trinidad và Tobago.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát hoài nghi về khả năng Mỹ vừa mua được dầu thô của Venezuela, vừa buộc được Tổng thống Maduro thay đổi. Vị thế của ông Maduro đã được cải thiện nhiều trong những năm gần đây. Tỉ lệ tín nhiệm của ông hiện là 19%, cao hơn với thủ lĩnh đối lập Guaido với 12%. Kể từ năm 2019, chính quyền Tổng thống Maduro cũng lặng lẽ triển khai nhiều gói cải cách kinh tế, trong đó có việc dỡ kiểm soát giá, dỡ hạn chế giao dịch ngoại tệ, giảm trợ cấp xăng dầu và khuyến khích đầu tư tư nhân.

Những biện pháp đó giúp kéo lùi lạm phát ở Venezuela, từ mức 3.000% năm 2020 xuống còn 686% trong năm 2021. “Ông Maduro chưa bao giờ có được vị thế sức mạnh như hiện nay. Ông ấy là người làm chủ. Nếu có thỏa thuận nào được đặt ra, thì chắc chắn đó không phải là dựa hoàn toàn vào điều kiện do ông Biden đưa ra”, Temir Porras, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Venezuela, bình luận.

Theo baotintuc.vn


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​