Thị trường ngày 22/08/2022
Gazprom ngày 19/08 thông báo sẽ dừng hoạt động đường ống dẫn khí Nord Stream 1 trong vòng 3 ngày từ 31/08 đến 02/09 để bảo trì định kỳ tuabin nén khí duy nhất đang hoạt động tại trạm bơm Portovaya. Các công việc bảo trì định kỳ theo hợp đồng sẽ được thực hiện cùng các chuyên gia Siemens. Sau khi hoàn tất, công suất đường ống sẽ được khôi phục lại mức 33 triệu m3/ngày (20% công suất thiết kế). Giá khí châu Âu lập tức tăng 7% vượt 2.750 USD/1000m3. Bộ Ngoại giao LB Nga cho biết, kế hoạch hoạt động đường ống Nord Stream 1 sắp tới sẽ phụ thuộc vào nhu cầu khí đốt và diễn biến các lệnh trừng phạt mới chống lại nước này.

Chính phủ Đức đã quyết định tạm thời cắt giảm thuế suất VAT đối với tiêu thụ khí đốt từ 19% xuống còn 7% từ nay đến hết mùa đông 31/03/2024 nhằm phần nào giảm bớt gánh nặng lên nền kinh tế (tổng cộng khoảng 14 tỷ EUR). ù lại, bắt đầu từ tháng 10, hộ gia đình sẽ phải gánh thêm phụ thu (thuế tiêu thụ đặc biệt) khí đốt ở mức 2,4 euro cent/1 kWh, tương đương 484 EUR/năm cho hộ gia đình 4 người, nhằm bù lỗ chi phí nhập khẩu năng lượng gia tăng. Riêng khoản thiệt hại liên quan đến cắt giảm nguồn cung khí đốt Gazprom (theo hợp đồng dài hạn) các nhà nhập khẩu khí đốt Đức trong giai đoạn từ tháng 10/2022 đến tháng 04/2024 ước tính lên tới 32 tỷ EUR, trong đó, Uniper lỗ khoảng 6,5 tỷ EUR (6 tháng đầu năm 2022), SEFE – nguyên Gazprom Germania GmbH – 5 tỷ EUR. Do vậy, không loại trừ khả năng VAT sẽ sớm được điều chỉnh tăng trở lại.

Chính phủ Đức miễn cưỡng đưa các mỏ và nhà máy điện than (đóng cửa từ những năm 2010) vào hoạt động và lên kế hoạch đốt trên 100.000 tấn than/tháng trong mùa đông tới (không còn quan tâm đến lộ trình đạt trung hòa phát thải vào năm 2038). Tuy nhiên điều này khó có thể sẽ thực hiện được. Do hạn hán, mực nước sông Rhine – kênh vận chuyển hàng hóa huyết mạch gần như tê liệt, ngày càng nhiều lực lượng chính trị trong nước kêu gọi ngay lập tức đưa đường ống Nord Stream 2 vào hoạt động. Phó Chủ tịch Quốc hội Đức nêu rõ quan điểm, khí đốt Gazprom nhập khẩu vào Đức qua Nord Stream 2 không hề khác gì khí đốt đi qua các đường ống khác, do vậy, chính phủ cần thực hiện mọi biện pháp để đất nước có thêm năng lượng.

Lạm phát (CPI) EU tháng 7 tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục mới – 8,9%/năm (+0,3% m/m), so với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng gấp 3,5 lần. Theo cơ quan thống kê Eurostat, nguyên nhân chính là do giá năng lượng tăng mạnh. Các quốc gia thành viên EU có chỉ số CPI cao nhất bao gồm Estonia – 23,2%/năm, Latvia –  21,3%/năm và Litva – 20,9%, thấp nhất tại Pháp và Malta – 6,8%/năm, Phần Lan – 8%/năm. Mặc dù CPI chưa bị ảnh hưởng nặng nề như 3 quốc gia Baltic, nhưng giá năng lượng đã tác động mạnh lên giá nhà sản xuất (PPI) Đức, chỉ số này tháng 7 vừa tăng 5,3% lên 37,3%/năm – cao nhất kể từ năm 1949, và cũng là mức gia tăng mạnh nhất trong tháng.

DẦU THÔ

Tân Tổng thư ký OPEC ông Haytham al-Ghais (Kuwait) cho biết, tổ chức này mong muốn gia hạn thỏa thuận OPEC+ với LB Nga và  các nhà sản xuất khác nhằm bình cân đối và ổn thị trường dầu thế giới, khi OPEC+ kiểm soát hơn 46% nguồn cung toàn cầu. Liên quan đến khả năng Iran quay trở lại thị trường, theo ông, đây là yếu tố có lợi cho OPEC, và việc từng bước gia tăng nguồn cung Iran không gây xáo trộn thị trường. Iran là một thành viên OPEC quan trọng, có trách nhiệm, do vậy, việc tăng xuất khẩu sẽ được thực hiện dần dần. Goldman Sachs nhận định, khả năng đàm phán thành công thỏa thuận hạt nhân JCPOA và các lệnh trừng phạt lĩnh vực năng lượng Iran được dỡ bỏ trong ngắn hạn khó có thể xảy ra bởi những yêu cầu khó thực hiện từ phía Iran đối với Mỹ, cụ thể (theo nguồn tin Al Jazeera): cam kết không rút khỏi thỏa thuận này tối thiểu trong vòng 3 năm, nếu không, sẽ phải bồi thường; dỡ bỏ ngay lệnh trừng phạt 17 TCTD, 150 doanh nghiệp Iran và cho phép nước này xuất khẩu 50 triệu thùng dầu thô trong thời gian 120 ngày. Ngay cả khi đàm phán thành công, quá trình dỡ bỏ trừng phạt sẽ diễn ra từng bước, và nguồn cung dầu thô Iran bổ sung (ngoài 1 triệu bpd hiện nay) xuất hiện trên thị trường không sớm hơn đầu năm 2023. 

Trung Quốc công bố phát hiện dầu khí thương mại đá phiến ngoài khơi đầu tiên trong lịch sử Tập đoàn dầu khí CNOOC cho biết đã phát hiện dòng dầu khí thương mại đá phiến (20 m3 dầu thô và 1.600 m3 khí đốt/ngày) tại vịnh Bắc Bộ, biển Đông sau khi khoan giếng thăm dò Weiye 1 tại lưu vực Beibuwan (bắc đảo Hải Nam). CNOOC ước tính tổng trữ lượng dầu thô đá phiến khu vực này khoảng 8,76 tỷ thùng so với hơn 50 tỷ thùng và 30.000 tỷ m3 khí đốt đá phiến có thể thu hồi trên đất liền. Thực tế cho thấy, đến thời điểm này, khai thác khí đốt đá phiến Trung Quốc gặt hái được nhiều thành công hơn dầu thô. Tính từ giếng dầu đá phiến trên bờ đầu tiên ở Tân Cương năm 2011, hiện nay dầu đá phiến mới chỉ chiếm chưa tới 1% tổng sản lượng khai thác dầu thô Trung Quốc, nhưng phát triển công nghệ không dậm chân tại chỗ, đặc biệt khi các công ty Trung Quốc chi số tiền khổng lồ cho việc phát triển công nghệ khai thác đá phiến mới. Sản lượng khí đốt đá phiến đã tăng đáng kể từ 3,4 triệu m3/ngày năm 2014 lên 41 triệu m3/ngày năm 2019, kế hoạch đặt ra tăng lên 60 triệu m3/ngày vào năm 2023.

KHÍ ĐỐT & LNG

Trong bối cảnh giá khí đốt châu Âu ổn định trên mức 2.400 USD/1000m3, EU bày tỏ nguyện vọng muốn hạn chế (áp trần) giá bán đối với Na Uy, khi nước này đang được hưởng lợi đáng kể từ việc đáp ứng 25% nhu cầu tiêu thụ EU. Doanh thu xuất khẩu khí đốt Na Uy năm 2022 dự kiến vượt 100 tỷ EUR so với chỉ 30 tỷ EUR năm 2021. Theo đề xuất thỏa hiệp, giúp các thành viên còn lại EU giảm bớt gánh nặng giá năng lượng tăng cao, Na Uy nên chốt giá hợp đồng ở mức thấp hơn giá sàn giao dịch hiện nay và cao hơn mức trung bình trong lịch sử, giao động xung quanh 1.000-1.350 USD/1000m3 (150-200 USD/thùng boe). Gần như chắc chắn Na Uy sẽ không chấp thuận sáng kiến này, đặc biệt khi nước này đang gồng mình cung cấp tối đa khí đốt ra thị trường EU trong khả năng có thể nhằm giúp cân đối phần nào nhu cầu tiêu thụ châu lục.

Mỹ, quốc gia xuất khẩu LNG số 1 thế giới, có cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khí đốt vào mùa đông này bởi 3 lý do chính: (1) chậm khoảng 10% tiến độ dự trữ khí đốt cho mùa đông tới, một phần vì nhu cầu tiêu thụ nội địa trong thời tiết nắng nóng gia tăng, một phần vì sản lượng khai thác sụt giảm (-1% xuống 2,79 tỷ m3/ngày); (2) terminal xuất khẩu LNG Freeport sắp đi vào hoạt động trở lại giữa tháng 10 tới sẽ tăng thêm nhu cầu tiêu thụ khí đốt khoảng 60 triệu m3/ngày; (3) giá LNG châu Âu đang cao gấp 7-8 lần Mỹ (2.400-2.700 USD/1000m3), thúc đẩy xuất khẩu trong điều kiện thiếu hụt nguồn cung khí đường ống Gazprom. Ngoài ra, giá khí đốt khu vực châu Á cũng đang tăng nhanh để kịp chạy đua cạnh tranh nguồn hàng với châu Âu.
Cho đến thời điểm này, khách hàng châu Âu vẫn được chiếm ưu thế trong cơ cấu xuất khẩu LNG Mỹ (7/12), đứng đầu danh sách 12 quốc gia nhập khẩu lớn nhất là Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha.

Eni khai trương dự án LNG nước sâu Coral-Sul tại Mozambique trị giá 7 tỷ USD, công suất 3,4 triệu tấn/năm, đưa một trong 3 quốc giá nghèo nhất châu Phi, nhưng sở hữu trữ lượng khí đốt lớn chỉ sau Nigeria và Algeria ra nhập CLB các nhà xuất khẩu LNG thế giới. Dự kiến ngày 24/08 tới, tanker British Mentor (BP) sẽ cập cảng nhập lô hàng đầu tiên trong khuôn khổ hợp đồng bao tiêu dài hạn (20 năm) ký kết từ năm 2016. Dự án xuất khẩu LNG thứ 2 của Eni tại Mozambique (lô Area 4 vực 4 lưu vực Rovuma) theo kế hoạch sẽ khởi công trong năm 2023 cùng sự tham gia với ExxonMobil, CNPC, Galp, Kogas và Empresa Nacional de Hidrocarbonetos (ENH – nước chủ nhà). Dự án này có công suất thiết kế 2,5-3 triệu tấn LNG/năm, sử dụng công nghệ nhà máy hóa lỏng khí nổi (FLNG). Trước đó, năm 2021, do bất ổn chính trị và tình hình bạo loạn, TotalEnergies đã phải hủy thực hiện đầu tư siêu dự án LNG trị giá 20 tỷ USD với công suất 13,2 triệu tấn/năm.

TRADING & LOGISTICS

Nhập khẩu diesel châu Âu từ châu Á, Trung Đông tăng mạnh trong bối cảnh khí đốt đắt đỏ và khan hiếm, cũng như từ bỏ nguồn cung LB Nga. Trong tháng 8, dự kiến ít nhất có tới 5 tanker chở khoảng 3 triệu thùng diesel châu Á (cao nhất kể từ đầu năm 2022) sẽ cập cảng EU khi mức giá khu vực cao hơn châu Á và Trung Đông. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ diesel châu Á bị ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sụt giảm, dẫn đến dư thừa tạm thời nguồn cung. Trong điều kiện này, giá vận tải biển sản phẩm dầu mỏ tiếp tục duy trì ở mức cao kỷ lục. Nguyên nhân chính là do thay đổi chuỗi cung ứng – logistic truyền thống, bên cạnh đó, hạn hán ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển hàng hóa đường sông nội địa EU.


LB Nga trong tháng 7 vừa qua đã vươn lên vị trí thứ 3 thế giới các quốc gia sử dụng đồng CNY trong thanh toán quốc tế nhiều nhất, tăng 6,3 lần chỉ trong vòng 3 tháng trở lại đây. Báo cáo SWIFT cho thấy, LB Nga chiếm khoảng 3,9% thị phần thanh toán CNY toàn cầu, đứng sau Hồng Kông (71%) và Anh (6,3%), nhưng đã vượt Mỹ (3%) và cả Singapore (3,8%). Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu LB Nga đã chuyển sang nhận thanh toán bằng CNY, INR và AED, thay thế USD và EUR. Trong cơ cấu thanh toán quốc tế những năm gần đây nói chung, USD và EUR vẫn giữ vị trí dẫn đầu, tuy nhiên, thị phần USD và CNY đang có những thay đổi đáng kể, khi chiếm lĩnh thị phần EUR/GBP/JPY đang bị thu hẹp dần.

LB NGA

Xuất khẩu dầu thô LB Nga đường biển trong 2 tuần đầu tháng 8 tăng 140.000 bpd lên mức trung bình 3,36 triệu bpd, duy trì cao hơn thời điểm bắt đầu chiến dịch Ukraine tháng thứ 5 liên tiếp (số liệu sơ bộ Kpler). Khối lượng xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ cũng đạt 2,75 triệu bpd – mức cao nhất kể từ sau 24/02, bất chấp các hạn chế trừng phạt. LB Nga hiện vẫn là nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu sang thị trường EU, giảm từ gần 3 triệu bpd xuống còn 1,85 triệu bpd.


Bộ Phát triển kinh tế LB Nga vừa có điều chỉnh nâng dự báo tăn trưởng GDP đất nước năm 2022 từ suy giảm -7,8% lên còn -4,2% nhờ điều kiện thị trường thế giới thuận lợi, kinh tế thích nghi tốt hơn với chính sách trừng phạt Phương Tây, tỷ giá đồng RUB đến cuối năm duy trì được mức bình quân 68 RUB/1 USD. Tuy nhiên, mức dự báo này dựa trên cơ sở sản lượng khai thác dầu thô đến cuối năm phải đạt trung bình 9,7 triệu bpd (tháng 7 đạt 10,8 triệu bpd nhưng có xu hướng giảm), khoảng 515 triệu tấn cả năm 2022; sản lượng khí đốt khoảng 711 tỷ m3 (-7% y/y), điều này nhiều khả năng khó xảy ra, bởi khai thác Gazprom 7,5 tháng đầu năm 2022 đã sụt giảm hơn 13%, xuất khẩu sang EU giảm hơn 36%. Gazprom không loại trừ sản lượng thực tế năm nay sẽ lần đầu tiên giảm xuống dưới 400 tỷ m3 so với gần 500 tỷ m3 kế hoạch. Mặc dù vậy, nhờ giá năng lượng thế giới tăng cao, đặc biệt là khí đốt, kim ngạch xuất khẩu nhiên liệu LB Nga năm 2022 vẫn có thể đạt con số cao kỷ lục – 337,5 tỷ USD.

Phương Tây buộc phải thừa nhận rằng, kinh tế LB Nga đang chống chọi với các lệnh trừng phạt tốt hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu, trong khi EU ngày càng lún sâu vào suy thoái, lạm phát và khủng hoảng năng lượng. Nguồn cung dầu thô thay thế LB Nga – Trung Đông đã không uốn mình dưới sức ép Mỹ/EU, thay vào đó là lợi ích kinh tế từ việc tuân thủ thỏa thuận OPEC+ (ngân sách KSA và lợi nhuận Saudi Aramco tăng vọt nhờ giá dầu cao và sản lượng khai thác trên 11 triệu bpd). IMF dự báo, các quốc gia Trung Đông bao gồm Oman, UAE, KSA, Qatar, Bahrain, Kuwait, Iraq và Iran sẽ thu được bổ sung khoảng 1.300 tỷ USD từ giá dầu mỏ thế giới cao trong vòng 4 năm tới. Bên cạnh đó, Ấn Độ, Trung Quốc sẵn sàng tăng nhập khẩu dầu thô giá rẻ LB Nga, tinh chế và tái xuất sản phẩm ngược lại EU. Nan giải hơn nữa là vấn đề khí đốt, giá tăng gấp hơn 10 lần thừa sức bù đắp khối lượng xuất khẩu sụt giảm. Thành viên NATO – Thổ Nhĩ Kỳ đang hưởng lợi lớn khi tăng mạnh kim ngạch XNK song phương với LB Nga, trong khi EU gần như đã cạn kiệt biện pháp trừng phạt đối với LB Nga (đang xem xét cấm cấp thị thực Schengen cho người Nga), và không thể cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt khi nước này nghiễm nhiên trở thành trung tâm phân phối khí đốt lớn mới.


LB Nga trong tháng 7 đã tìm được khách hàng nhập khẩu toàn bộ khối lượng than đá EU từ chối (lệnh cấm vận có hiệu lực từ giữa tháng 8). Điều này cho phép duy trì được doanh thu, bấp chấp chiết khấu lên tới 45-50% giá tiêu chuẩn khu vực. Xuất khẩu tháng 7 đạt 16,45 triệu tấn (-0,6% so với tháng 5), trong đó, Trung Quốc chiếm 6,7 triệu tấn, Ấn Độ – 2 triệu tấn. Với mức chiết khấu hấp dẫn (>200 USD/tấn), các nhà xuất khẩu LB Nga (SUEK, Kuzbassrazrezugol, Sibanthracite, Elgaugol, SDS-ugol, Kuzbass Fuel Company, Kolmar, Russian Coal, Raspadskaya, Mechel) tăng được khối lượng hơn 2,8 triệu tấn sang 2 thị trường châu Á chủ đạo. Dự kiến xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, khi cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đẩy mạnh nhập khẩu than đá chuẩn bị cho mùa đông, và nguồn cung than nhiệt Úc chưa được Trung Quốc cho phép nhập khẩu trở lại.

Chính phủ LB Nga quyết định tài trợ 1 tỷ RUB (16,7 triệu USD) cho 4 dự án phát triển, chế tạo thiết bị sản xuất LNG quy mô vừa và lớn trong tổng số 18 dự án phát triển công nghệ/thiết bị LNG cả nước nhằm đạt mục tiêu sản xuất 80-140 triệu tấn LNG/năm vào năm 2035.

Gazprom Neft đã có đơn gửi tòa án Trọng tài Moscow yêu cầu chuyển đăng ký liên doanh với Shell (Salym Petroleum Development N.V.) từ vùng tài phán Hà Lan về LB Nga do đối tác có những hành động cản trở pháp nhân hoạt động như rút đại diện khỏi HĐQT và nhân sự điều hành.

Sakhalin Energy – nhà điều hành mới dự án Sakhalin-2 được đăng ký tại LB Nga chính thức yêu cầu khách hàng thanh toán LNG nhập khẩu vẫn bằng USD, nhưng thông qua ngân hàng Gazprombank. Đồng thời, Sakhalin Energy sẽ ký lại hợp đồng với các nhà nhập khẩu Nhật Bản, giữ nguyên những điều khoản cơ bản (giá, khối lượng, lịch giao hàng). Tokyo Gas và JERA nằm trong Top 3 khách hàng lớn nhất Sakhalin-2 đã thực hiện ký lại hợp đồng.

Xuất khẩu hàng hóa các quốc gia châu Á sang LB Nga tiếp tục đà phục hồi trong tháng 7, dẫn đầu bởi Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp đến là Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam, Đài Loan và Ấn Độ. Nếu khôi phục được xuất khẩu ôtô, tốc độ tăng trưởng Nhật Bản/Hàn Quốc thời gian tới sẽ bứt phá.


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​