Cơ chế hình thành và phát triển của Trung tâm giao dịch khí đốt trên thế giới
09:43 |
31/07/2024
Lượt xem:
1726
Trong quá khứ, Trung Quốc từng có kế hoạch khai trương một trung tâm giao dịch khí đốt tự nhiên ở Trùng Khánh vào đầu năm 2018, nhằm tạo ra một tiêu chuẩn khí đốt Châu Á khi Chính phủ thúc đẩy nước này tránh xa than đá, khiến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu sạch tăng vọt.
Cùng tìm hiểu những đặc điểm và yêu cầu điển hình của các trung tâm giao dịch khí đốt và điểm giao dịch khí đốt trên thế giới.
Ảnh: CFI
Trung tâm khí đốt là gì?
Các trung tâm khí đốt tự nhiên có xu hướng trở thành trung tâm của mạng lưới cơ sở hạ tầng khí đốt như đường ống và kho cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Trung tâm này được sử dụng làm điểm định giá trung tâm cho khí đốt tự nhiên của mạng lưới. Trong một số trường hợp, hợp đồng phái sinh tài chính cũng được định giá bằng giá khí được giao vào một thời điểm cụ thể.
Cơ sở hình thành một trung tâm khí đốt
Việc thành lập một trung tâm giao dịch khí đốt cần có thời gian, các khoản đầu tư và ý chí chính trị để giá có thể tăng mà không cần sự can thiệp của cơ quan quản lý.
Các trung tâm khí đốt yêu cầu mạng lưới đường ống và địa điểm lưu trữ, cho phép nguồn cung cấp được giao dịch và di chuyển trong thời gian ngắn.
Các nguồn cung cấp khí đốt đa dạng, bao gồm từ sản lượng trong nước, nhập khẩu qua đường ống và vận chuyển LNG ra nước ngoài, được coi là thuận lợi để tránh sự thống trị của một số nhà khai thác.
Một danh sách khách hàng tiêu dùng mạnh mẽ, với các lợi ích mua hàng cạnh tranh - điển hình như, người tiêu dùng hộ gia đình, điện và công nghiệp - được xem là rất quan trọng để phát triển một thị trường đa dạng.
Quy định cho phép các bên tham gia trong và ngoài nước giao dịch và tiếp cận các đường ống cũng như cơ sở lưu trữ, cũng được coi là cần thiết để thiết lập một trung tâm khí đốt. Những người tham gia cần biết rằng, họ có thể tin tưởng vào việc Chính phủ sẽ không can thiệp khi giá cả đi ngược lại lợi ích của địa phương.
Bên cạnh đó, tình trạng dư cung khí đốt cũng được coi là cần thiết trong giai đoạn đầu phát triển trung tâm giao dịch, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa được trao đổi với khối lượng đáng kể.
Ảnh: Offshore
Các trung tâm khí đốt chính
Trung tâm khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới là Henry Hub ở bang Louisiana của Mỹ.
Khí được giao tại điểm này là cơ sở của hầu hết các hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên của Mỹ - cho đến nay được biết đến là thị trường phái sinh khí đốt lớn nhất thế giới - và cũng được sử dụng để định giá xuất khẩu LNG của nền kinh tế số 1 thế giới.
Henry Hub được hưởng lợi từ hoạt động khai thác và tiêu thụ nội địa rộng lớn ở Mỹ, cũng như mạng lưới đường ống lớn nhất và có thể tiếp cận tự do nhất thế giới, trải dài đến Canada và Mexico.
Ở Châu Âu, sàn giao dịch khí đốt của Anh (NBP) và sàn giao dịch tại Hà Lan (TTF) đã nổi lên như những trung tâm giao dịch khí đốt tự nhiên chính.
NBP là trung tâm khí đốt được giao dịch tích cực đầu tiên của Châu Âu, giống như đối tác lớn của Mỹ, được hưởng lợi từ quy định thị trường mở, sản lượng nội địa đáng kể - ở Biển Bắc - và mức tiêu thụ cao. Anh cũng lấy khí đốt qua đường ống từ Na Uy và nhập khẩu LNG.
Trong khi đó, TTF Hà Lan được hưởng lợi từ mỏ khí đốt trên bờ Groningen khổng lồ nhưng đang cạn kiệt. TTF cũng nằm ở trung tâm mạng lưới đường ống rộng lớn của lục địa Châu Âu và có khả năng nhập khẩu LNG.
Được định giá bằng đồng euro, TTF đã thay thế NBP của Anh để trở thành trung tâm và chuẩn giá khí đốt chính của Lục địa già.
Các trung tâm khí đốt tiềm năng ở Châu Á
Trung Quốc muốn thiết lập các trung tâm giao dịch khí đốt để trở thành tiêu chuẩn giá cả cho thị trường Châu Á.
Nguồn cung đa dạng của đất nước, bao gồm khai thác trong nước, nhập khẩu qua đường ống và vận chuyển LNG, cũng như mức tiêu thụ ngày càng tăng, rộng lớn... được đánh giá là những lợi thế cho việc hình thành một trung tâm khí đốt.
Tuy nhiên, sự can thiệp của Chính phủ - như đã thấy đối với thị trường than - sự thống trị của các công ty năng lượng lớn thuộc sở hữu nhà nước và cơ sở hạ tầng khí đốt chưa phát triển xứng tầm được xem là những trở ngại.
Nhật Bản, nhà nhập khẩu LNG hàng đầu thế giới, mong muốn thiết lập việc giao hàng tới bờ biển của mình làm tiêu chuẩn giá LNG của Châu Á. Tuy nhiên, việc thiếu sản lượng trong nước và xu hướng nhu cầu giảm và cạnh tranh từ các loại nhiên liệu khác được coi là những trở ngại.
Trong khi đó, Singapore muốn lặp lại cho thị trường LNG những gì họ đã làm với dầu mỏ bằng cách trở thành tiêu chuẩn giá nhiên liệu của châu Á. Tuy nhiên, những quy định thân thiện với thị trường được coi là thuận lợi thì dân số nhỏ và thiếu khả năng lưu trữ được coi là trở ngại.
Bình An
REU
Bình luận