Phân tích ngày 15/08/2022
Châu Âu duy trì sức ép kinh tế đối với Nga bất chấp mọi khó khăn?

WSJ mới đây đã có bài viết xoay quanh các biện pháp trừng phạt của châu Âu đối với Nga. Theo WSJ, những chỉ số kinh tế của các nước châu Âu cho thấy đã tiệm cận suy thoái. Các biện pháp trừng phạt đối với Nga đang gây ra “nỗi đau” lớn cho EU. Một số chính trị gia đã nghi ngờ tính hiệu quả của những biện pháp trừng phạt gần đây, nhưng phương Tây không có ý định rút lui. Việc cắt giảm nguồn cung khí đốt của Nga đang làm gia tăng áp lực kinh tế đối với các nước thành viên EU, song các chính phủ ở EU khó có thể nhượng bộ về vấn đề trừng phạt. 

Nhiều nước thành viên EU đang chịu tổn thất nặng nề từ cuộc chiến kinh tế với Nga, mà nguyên nhân chính xuất phát từ hoạt động quân sự của Nga trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, nhiều chính phủ tại châu Âu khó có thể dỡ bỏ chính sách trừng phạt của mình vì họ không thấy có lựa chọn thay thế nào để duy trì các biện pháp chống Nga và hỗ trợ Ukraine. 

Các chỉ số kinh tế ở châu Âu đang tiệm cận suy thoái. Giá thực phẩm và năng lượng tăng mạnh đang làm gia tăng tâm lý bất mãn và gây áp lực lớn lên các chính phủ. Một số chính trị gia phương Tây đã đặt câu hỏi về sự khôn ngoan của những lệnh trừng phạt chống Nga. Họ kêu gọi nỗ lực lớn hơn để giảm leo thang xung đột. Tuy nhiên, theo các quan chức cấp cao tại châu Âu và các nhà phân tích, việc Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho các nước EU để đáp trả các lệnh trừng phạt, cũng như hành động của quân đội Nga ở Ukraine sẽ làm cho quan hệ Nga - EU không thể cải thiện trong tương lai gần. 

Trong một cuộc điện đàm gần đây, Thủ tướng Đức O.Scholz đã cảnh báo lãnh đạo Nga rằng, các lệnh trừng phạt của EU sẽ chỉ được xem xét trong bối cảnh phía Ukraine có thể chấp nhận lệnh ngừng bắn. Một nguồn tin khác bổ sung thêm rằng, ông Scholz nhấn mạnh, chỉ có Ukraine mới có quyền quyết định việc EU dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga. Trên chiến trường, Nga tiếp tục nỗ lực chiếm thêm các vùng lãnh thổ của Ukraine. Trong khi phía Ukraine thì tuyên bố, họ muốn đẩy quân đội Nga trở lại vị trí ban đầu mà Nga đã chiếm đóng vào tháng hai. 

Một số chuyên gia tại công ty tư vấn Eurasia Group cho biết, thật khó để thấy bất kỳ động cơ nào giúp giảm bớt những lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, các nước châu Âu ít có khả năng đưa ra bất kỳ hạn chế mới nào đối với Nga. Do không còn nhiều lựa chọn, các cuộc thảo luận về những biện pháp trừng phạt mới sẽ diễn ra chậm và ít tiến triển hơn. 

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự lo lắng về tác động kinh tế của những hành động quân sự trên lãnh thổ Ukraine đang gia tăng trên khắp châu Âu, bất chấp sự ủng hộ đối với Ukraine vẫn ở mức cao. Ở một số quốc gia phía đông EU, cử tri và chính phủ vẫn duy trì sức ép lên Nga thông qua các biện pháp trừng phạt và viện trợ quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, tại các nước Tây Âu, chính sách đối đầu với Nga ngày càng kéo theo nhiều vấn đề. Đảng của Tổng thống Pháp E.Macron gần đây đã mất đa số ghế trong nghị viện sau khi các đối thủ của họ lợi dụng lạm phát cao, đã tố cáo Tổng thống Macron là nhà lãnh đạo phớt lờ các vấn đề tài chính của người dân Pháp. 

Lãnh đạo của đảng cực hữu “Liên đoàn quốc gia” Marine Le Pen mới đây đã thúc giục Tổng thống Macron giảm bớt các hạn chế đối với Nga. Bà Le Pen cho biết, các biện pháp trừng phạt hiện nay hoàn toàn không nhằm mục đích nào khác ngoài việc khiến người dân châu Âu, bao gồm cả người Pháp phải chịu thiệt hại. Bà Le Pen hy vọng, các lệnh trừng phạt sẽ sớm được dỡ bỏ để châu Âu không phải đối phó với tình trạng mất điện mà nguyên nhân chính xuất phát từ vấn đề nhập khẩu khí đốt. 

Tại Đức, lãnh đạo bang Sachsen Michael Kretschmer gần đây đã rút lui khỏi vị trí lãnh đạo của Đảng Bảo Thủ và các tổ chức chính trị của Đức. Ông Kretschmer cảnh báo rằng, việc tiếp tục cô lập Nga là rất nguy hiểm. Nền kinh tế Đức sắp đối mặt với mức lạm phát từ 8-10%. Tình trạng của toàn bộ nền kinh tế và mức độ gắn kết xã hội tại Đức đang ở mức báo động. Tuy nhiên, hầu hết các chính trị gia ở Đức và Pháp vẫn tiếp tục ủng hộ chiến lược trừng phạt và thay thế các nguồn năng lượng từ Nga. 

Theo các chuyên gia của WSJ, Tổng thống Macron dự định tiếp tục ủng hộ chiến lược trừng phạt Nga, đồng thời thể hiện tình đoàn kết với Ukraine và EU vì vấn đề Ukraine được coi là một trong những phép thử chính cho di sản của Macron ở châu Âu. 

Theo các chuyên gia tại Viện Chính sách Công toàn cầu (Đức), việc cắt giảm nguồn cung cấp năng lượng của Nga khiến người dân Đức lo lắng sẽ thiếu hụt khí đốt vào mùa đông tới. Tuy nhiên, hành động can thiệp quân sự của chính quyền Nga cũng nhận được sự ủng hộ của một bộ phận thân Nga và chống trừng phạt Nga. Các chuyên gia của Viện Chính sách công toàn cầu nhấn mạnh, chừng nào Mỹ còn tiếp tục hỗ trợ Ukraine, Đức sẽ vẫn vững vàng. Ngay cả Italia cũng có thể tiếp tục cam kết với chiến lược kiềm chế kinh tế Nga, bất chấp việc thủ tướng Mario Draghi từ chức – người ủng hộ mạnh mẽ hỗ trợ Ukraine của phương Tây. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, liên minh cánh hữu nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sớm tại Italia vào cuối tháng 9 tới. Một số người thuộc phe cánh hữu, bao gồm cả cựu thủ tướng Silvio Berlusconi, đã ủng hộ Nga trong quá khứ. Tuy nhiên, theo kết quả các cuộc thăm dò, chính trị gia Giorgia Meloni, lãnh đạo đảng cực hữu “Anh em Italia” có thể trở thành nhà lãnh đạo của chính phủ liên minh tiếp theo. Ông Giorgia Meloni có quan điểm cứng rắn trong việc ủng hộ viện trợ của phương Tây cho Ukraine và các lệnh trừng phạt chống Nga. Nhiều khả năng liên minh mới trong chính phủ Italia sẽ không làm dịu đi chính sách mà chính phủ của người tiền nhiệm Draghi theo đuổi. 

Tại Anh, sự thay đổi lãnh đạo chính trị sau khi Thủ tướng Boris Johnson từ chức cũng khó có thể ảnh hưởng đến chính sách của nước này đối với Nga và Ukraine. Bộ trưởng Nội các Anh Robert Buckland cho biết, cam kết của Vương quốc Anh đối với chính sách trừng phạt chống Nga vì những hành động quân sự trên lãnh thổ Ukraine sẽ không thay đổi, bất chấp áp lực kinh tế và giá năng lượng biến động. 

Các công ty dầu khí quốc gia phải chịu trách nhiệm chính về phát thải các loại khí nhà kính

Các chuyên gia của Oilprice mới đây đã có bài viết với nhận định rằng, khí thải từ các công ty dầu khí quốc gia (NOCs) đang vượt xa phát thải từ các hãng dầu khí lớn (majors). Đồng thời, NOCs không chỉ phát thải khí độc hại mà còn thu được nhiều lợi nhuận hơn và ít bị truyền thông chú ý hơn. Trong khi đó, những majors hàng đầu thường xuyên là đối tượng bị tấn công bởi những tuyên bố về quá trình khử carbon. 

Trong khi các majors như BP, ExxonMobil và Shell đang bị chỉ trích vì chưa đáp ứng đủ cam kết khử carbon thì một báo cáo mới đây từ thời báo The Economist (Anh) đã chỉ ra rằng, hầu hết các cáo buộc chống lại họ là sai. Không phải các tập đoàn dầu khí hàng đầu không thay đổi chiến lược và chiến thuật để giảm phát thải khí nhà kính và tránh tác động tiêu cực đến khí hậu. Thực tế là lượng phát thải khí nhà kính của các majors hàng đầu ít hơn so với lượng phát thải của NOCs ở hầu hết các quốc gia sản xuất dầu trên thế giới. Theo The Economist, các NOCs đang có hai lựa chọn là theo tiến trình chuyển đổi năng lượng hoặc phá vỡ tiến trình này. Các NOCs hiện chiếm 3/5 sản lượng dầu toàn cầu, một nửa sản lượng khí đốt thiên nhiên của thế giới và kiểm soát 2/3 trữ lượng dầu mỏ đã được chứng minh. Ví dụ, 04 NOCs là ADNOC (UAE), Saudi Aramco (KSA), PDVSA (Venezuela) và QatarEnegy (Qatar) có đủ trữ lượng dầu khí để tiếp tục sản xuất ở mức hiện tại trong vòng hơn 40 năm nữa. 

Nếu chúng ta tính đến quy mô sản xuất dầu mỏ của NOCs thì vấn đề thực sự là hành động của những nhà sản xuất này có liên quan trực tiếp đến tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Đặc biệt, khi nói đến những hạn chế trong kết quả hoạt động của những NOCs, vấn đề về môi trường, sinh thái luôn được nhắc đến đầu tiên. Công bằng mà nói, các majors cũng đang phải đối mặt với vấn đề này, nhưng hầu hết lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của những majors hàng đầu đã ổn định hoặc đạt mức cao nhất. Chỉ có hai NOCs có thể đạt kết quả tương tự là Petrobras (Brazil) và Ecopetrol (Colombia). 

Vậy tại sao truyền thông không chú ý nhiều đến các NOCs xoay quanh vấn đề giảm phát thải carbon? Câu trả lời là không dễ dàng. Suy cho cùng, việc khử carbon có mục đích chính trị và việc kêu gọi các chính phủ phải cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính và cắt giảm sản lượng dầu là một con dao hai lưỡi đối với các chính trị gia đang nắm quyền. Nhiều quốc gia điều hành các công ty dầu mỏ lớn thuộc sở hữu nhà nước tăng trưởng không ổn định. Nền kinh tế của họ phụ thuộc quá lớn vào sản xuất dầu khí và họ không có kế hoạch hành động trong trường hợp sản lượng dầu đột ngột sụt giảm. 
Tất nhiên, không phải tất cả các NOCs đều hoạt động giống nhau. Thực tế cho thấy, các nước giàu hơn có xu hướng quản lý tài sản tốt hơn và có trách nhiệm hơn với môi trường. Thường thì những quốc gia như vậy có trữ lượng dầu mỏ dồi dào hơn, khiến họ trở nên giàu có. Ngược lại, các NOCs tại những quốc gia nghèo ở trong tình trạng quản lý kém, sử dụng nguồn lực không hiệu quả. Ví dụ, các nhà sản xuất dầu của Algeria và Venezuela thải ra lượng khí thải carbon nhiều gấp 3-4 lần so với các NOCs được quản lý tốt hơn như ADNOC và Saudi Aramco. 

Cuối cùng, những chiến dịch truyền thông, biểu tình, tẩy chay đang mang lại kết quả tích cực trong quan hệ với các majors thì lại không có tác dụng đối với các công ty dầu khí nhà nước. Bên cạnh đó, nhiều NOCs gây hại cho môi trường nhất lại thường hoạt động ở các quốc gia nghèo và không có luồng dư luận “xanh” nào có thể làm thay đổi thực tế ở đây. Tất cả đều phụ thuộc vào chính sách tài chính khí hậu của những nước giàu. Đây là một trong những nỗ lực giúp những nước ngoài trong cuộc chiến khử carbon. 

Trung Quốc và EU tăng khối lượng trung chuyển hàng hóa vòng qua Nga

Trung Quốc và EU đang gia tăng trao đổi thương mại thông qua Hành lang vận tải xuyên Caspi. Điều này đặt ra câu hỏi rằng, liệu Nga có mất vai trò chiến lược của mình trong chuỗi logistics giữa phương Tây hay phương Đông hay không và nước này sẽ hành động như thế nào để đáp trả. Trang tin 1prime mới đây đã có bài viết xoay quanh chủ đề này. 

Kim ngạch thương mại hai chiều hàng năm giữa EU và Trung Quốc đạt hàng trăm tỷ USD. Trong năm 2021, tổng kim ngạch song phương đạt kỷ lục 800 tỷ USD. Bước sang năm 2022, con số này được dự báo sẽ tăng lên 1000 tỷ USD. EU là đối tác thương mại quan trọng thứ hai của Trung Quốc sau Mỹ. Bất cập những mâu thuẫn về chính trị, hợp tác kinh tế - thương mại song phương vẫn tiếp tục. 


Trong những năm trước đây, một phần lượng hàng hóa từ Trung Quốc sang châu Âu và ngược lại đã được quá cảnh ở Nga do đây là tuyến đường nhanh, thuận tiện và có lợi nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có đối với Nga, thị trường đã xuất hiện nhiều thông tin về sự gia tăng các luồng vận tải qua các tuyến đường trung chuyển ở Trung Á, Kavkaz và Thổ Nhĩ Kỳ. 

Giải pháp thay thế

Hiện có tới 90% sản lượng hàng hóa trao đổi giữa Đông và Tây được thực hiện bằng đường biển do có đầy đủ cơ sở hạ tầng cần thiết. Một phần lớn hoạt động giao hàng bằng đường bộ giữa Trung Quốc và EU trước khi có lệnh trừng phạt được thực hiện thông qua Nga. Trong bối cảnh hiện nay, phương án trung chuyển thay thế không qua Nga là Hành lang giao thông xuyên Caspi (The Trans-Caspian Corridor), qua Biển Đen, Biển Caspi. Phương án này trước đây ít được sử dụng hơn do bất ổn địa chính trị và thiếu cơ sở hạ tầng. 

Mùa xuân năm nay, công ty đường sắt Nga RZD cho biết một số tuyến đường trung chuyển thay thế không qua Nga đã được kích hoạt trong bối cảnh Nga bị Mỹ/phương Tây áp đặt loạt biện pháp trừng phạt kinh tế mới. Ví dụ, trong hai tháng đầu năm 2022, đã có gần 3.000 container được vận chuyển dọc theo tuyến đường qua Biển Caspi, Azerbaijan và Gruzia. Nói cách khác, một lượng hàng hóa đã đi từ Trung Quốc, trung chuyển qua Kazakhstan, sau đó đi qua Biển Caspi. Tiếp đó, hàng hóa được trung chuyển qua Azerbaijan, Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ đến châu Âu. Tuyến đường này thay thế hoạt động trung chuyển bằng đường sắt qua Nga và Belarus, mặc dù chi phí trung chuyển đắt hơn và thời gian trung chuyển dài hơn. 

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia Nga, việc sử dụng một tuyến đi thẳng qua Đường sắt xuyên Siberia và BAM thuận tiện hơn so với phương án trung chuyển qua Biển Caspi (phải chuyển tải nhiều hơn). Tuy nhiên, trong điều kiện rủi ro về hậu cần và chi phí trừng phạt như hiện nay, tất cả người tham gia quá trình này đều muốn có phương án thay thế. 

Ngoài mục đích chính trị, việc phát triển mạng lưới hành lang vận tải đường đường bộ rộng khắp để cung cấp hàng hóa Trung Quốc cho các quốc gia thuộc lục địa Á-Âu, nhất là khi EU là mục tiêu của tất cả các dự án logistics đi vòng qua Nga, giúp đa dạng hóa các tuyến vận tải, bên cạnh các tuyến đường biển thông thường. 

Hiện tại có 16 tuyến đường bộ vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến châu Âu và ngược lại. Tuyến mới nhất được Trung Quốc khánh thành từ tháng 4/2022, xuất phát từ thành phố Tây An (phía tây bắc tỉnh Thiểm Tây) đến thành phố Mannheim của Đức, trung chuyển qua các nước: Kazakhstan, Azerbaijan, Romania, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc. 

Không phải là lựa chọn thay thế hoàn toàn

Những người tham gia thị trường cho rằng, việc sử dụng các tuyến trung chuyển hàng hóa vòng qua Nga là tốn kém, không có lợi và gây thiệt hại cho tất cả những người tham gia. Hành lang giao thông xuyên Caspi không thể cạnh tranh với tuyến trung chuyển hiện có qua lãnh thổ Nga. Theo một số chuyên gia Nga, Hành lang giao thông Caspi tốt nhất chỉ nên đóng vai trò là một giải pháp thay thế nhỏ. Hơn nữa, tuyến đường này có thể có lợi cho Nga nếu nó trở thành tuyến vận tải hàng hóa song song với tuyến trung chuyển qua Nga do không gian địa lý của Hành lang giao thông Caspi nằm trong phạm vi lợi ích kinh tế của Nga. 
Thực tế cho thấy, “huyết mạch” chính của dòng hàng hóa từ Trung Quốc đến châu Âu vẫn là tuyến Đường sắt xuyên Siberia. Nga và Trung Quốc đang có kế hoạch mở rộng đáng kể năng lực của tuyến vận tải này. Hiện tại, sản lượng hàng hóa được vận chuyển qua tuyến đường này cao gấp 4 lần so với năng lực của tuyến đường trung chuyển qua Kazakhstan. Đồng thời, tốc độ giao hàng thông qua tuyến Đường sắt xuyên Siberia là nhanh hơn nhiều so với phương án thay thế do tuyến trung chuyển qua Kazakhstan liên quan đến hoạt động vận tải bằng phà qua Biển Caspi. 

Ngoài ra, Nga hiện còn một siêu dự án trung chuyển khác là Tuyến đường biển phía Bắc, cho phép kết nối Trung Quốc và châu Âu và đảm bảo vận chuyển hàng hóa quanh năm với số lượng không hạn chế. Chi phí trung chuyển được dự báo ở mức tối thiểu và tốc độ giao hàng nhanh hơn. Điều này mang lại triển vọng thuận tiện và có lợi hơn nhiều so với tuyến đường vận tải biển chính hiện nay là qua kênh đào Suez. 

Indonesia từ chối áp giá trần dầu thô Nga?

Hãng tin South China Morning Post (SCMP) tại Hồng Kông mới đây đã có bài viết đánh giá việc Mỹ tích cực lôi kéo các đồng minh, đối tại ở châu Á tham gia thiết lập giá trần đối với dầu thô của Nga, trong đó có Indonesia. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này khó có thể ủng hộ những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế giá dầu Nga. Chính quyền Indonesia không muốn đứng về phía nào trong cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây và không muốn mạo hiểm trong đường lối trung lập về chính trị của mình. 

Theo SCMP dẫn nguồn tin từ một quan chức Mỹ cho biết, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ yêu cầu Malaysia, Úc và Nhật Bản hỗ trợ những nỗ lực thiết lập giá trần đối với dầu thô Nga. Tuy nhiên, xuất phát từ những nguyên tắc chính sách đối ngoại, Indonesia khó có thể đứng về phía phương Tây hoặc Nga vì họ chờ đợi những gì mà Trung Quốc và Ấn Độ sẽ triển khai. 

Trước đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Chống khủng bố tài chính và tội phạm tài chính Elizabeth Rosenberg đã có chuyến thăm hai ngày tới Jakarta và làm việc với Bộ Điều phối các vấn đề Hàng hải và đầu tư, Bộ Năng lượng và tài nguyên khoáng sản, Trung tâm Hoạt động tài chính cũng như lãnh đạo khối doanh nghiệp tư nhân. Trong các buổi làm việc, bà Rosenberg đã tố cáo hoạt động quân sự phi lý của Nga tại Ukraine và thảo luận về những nỗ lực nhằm giảm thiểu những hậu quả của chiến sự, bao gồm việc thiết lập mức giá trần đối với dầu thô của Nga. Điều này trước đó đã được nêu ra trong một tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ. 

Có thể nói rằng, bà Rosenberg đã tiếp nối chương trình nghị sự của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, người đã gặp gỡ các bộ trưởng tài chính G20 và các chủ tịch ngân hàng trung ương của khối vào tháng 7 vừa qua. Bà Yellen đã làm việc với Bộ trưởng tài chính Indonesia Sri Mulyani và Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề hàng hải và đầu tư Luhut Pandjaitan, đồng thời kêu gọi họ ủng hộ kế hoạch thiết lập giá trần được Mỹ đề xuất. Lãnh đạo Bộ Tài chính Indonesia Sri Mulyani khẳng định sẽ xem xét tác động của kế hoạch này vì lo ngại nó sẽ tác động lớn đến các nước sản xuất dầu và những khách hàng của họ. 
Một quan chức Mỹ cho biết, ngoài Indonesia, Malaysia, Úc và Nhật Bản cũng sẽ được Mỹ đề nghị ủng hộ mục tiêu của G7 và kiềm chế giá dầu của Nga. Indonesia sẽ được hưởng lợi từ việc tham gia ủng hộ đề xuất của Mỹ vì các khoản trợ cấp xăng dầu nhà nước hiện đang khiến chính phủ nước này phải trả giá đắt. Trong năm nay, do giá dầu thô tăng cao, Indonesia đã dành 502.000 tỷ IDR (34 tỷ USD) cho trợ cấp nhiên liệu, tăng so với mức 170.000 tỷ IDR của năm ngoái. Trong khi Tổng thống Joko Widodo mới đây thừa nhận rằng, các khoản trợ cấp xăng dầu hiện tại là quá cao, song nước này vẫn chưa có kế hoạch giải quyết vấn đề này. 

Duy trì tính trung lập

Tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 vừa qua, các nhà lãnh đạo G7 cho biết, họ sẽ xem xét thiết lập giá trần đối với dầu thô của Nga nhằm tước đi nguồn ngân sách phục vụ chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine. Cơ chế giá trần dự kiến được kích hoạt vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng, Indonesia khó có thể ủng hộ đề xuất này của G7 vì họ có ý định chờ phản ứng của Trung Quốc và Ấn Độ. Các chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu kinh tế và pháp lý tại Indonesia cho biết, trong số các nước G20, Trung Quốc và Ấn Độ tỏ ra cứng rắn hơn về vấn đề này vì họ là một trong những nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Nga. Bên cạnh đó, xuất phát từ chính sách đối ngoại tự do và tích cực, chính quyền Indonesia sẽ không đứng về phía phương Tây hoặc Nga.

Indonesia nhiều khả năng sẽ không ủng hộ kế hoạch thiết lập giá trần vì điều đó có nghĩa là áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga. Indonesia không muốn “đi quá xa”, gây thiệt hại trong quan hệ với Nga. Thực tế cho thấy, nhập khẩu dầu thô của Indonesia từ Nga là không đáng kể so với hoạt động mua dầu của giới thương nhân Singapore. Tuy nhiên, việc Mỹ nỗ lực thuyết phục Indonesia ủng hộ đề xuất của mình đầu tiên là do Indonesia đang là chủ tịch của G20, mà trong đó Nga là thành viên. 

Các chuyên gia Indonesia cho rằng, Mỹ kỳ vọng vào việc Indonesia sẽ tăng cường áp lực chính trị lên Nga để chấm dứt các hành động thù địch tại Ukraine càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn để lôi kéo Indonesia tham gia đề xuất của Mỹ. Đề xuất thiết lập giá trần đối với dầu thô của Nga nên tính đến phản ứng của phía Nga. 

Ngoài ra, giá dầu thô cũng chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như: chính sách sản lượng của OPEC, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, làm giảm nhu cầu tiêu thụ. Nếu nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu suy giảm, dầu thô sẽ trở nên rẻ hơn. Do đó, Indonesia sẽ không phải mạo hiểm với sự trung lập về chính trị chỉ để tiếp cận với nguồn dầu thô giá rẻ. 



Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​