Phân tích ngày 04/07/2022
Tổng thống Nga chuyển giao dự án Sakhalin-2 cho nhà điều hành Nga Hãng tin NHK của Nhật Bản mới đây đã có bài viết phân tích nhận định rằng, sắc lệnh của Tổng thống Nga V.Putin về việc chuyển giao dự án Sakhalin-2 cho Nga sở hữu là đòn trả thù Nhật Bản đối với các lệnh trừng phạt chống Nga.

Tổng thống V.Putin mới đây đã ký sắc lệnh “Về việc áp dụng các biện pháp kinh tế đặc biệt trong lĩnh vực nhiên liệu và năng lượng liên quan đến các hành động không thân thiện của một số quốc gia và tổ chức quốc tế”. Theo đó, tất cả các quyền và nghĩa vụ của nhà điều hành Sakhalin Energy tại dự án lâu đời nhất của Nga về sản xuất khí hóa lỏng (LNG) Sakhalin-2 (với sự tham gia của các công ty lớn Nhật Bản), sẽ được chuyển giao cho một chủ thể đặc biệt (LLC mới) thuộc Nga.

Theo NHK, dường như mục đích của sắc lệnh này là nhằm “làm rung chuyển” giới chính trị và doanh nghiệp Nhật Bản – quốc gia đang siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga khi quân đội Nga vẫn tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Sắc lệnh quy định rằng, Gazprom sẽ giữ lại cổ phần của mình trong nhà điều hành, nhận cùng số cổ phẩn trong LLC mới. Trong khi đó, cổ phần của các cổ đông còn lại của Sakhalin Energy sẽ trở thành tài sản của công ty mới. Hiện tại, tỷ lệ nắm giữ cổ phần trong dự án Sakhalin-2 được phân bổ như sau: Gazprom nắm giữ 50% số cổ phần +1; Shell nắm giữ 27,5% số cổ phần -1; Mitsui&Co nắm 12,5% số cổ phần và tập đoàn Mitsubishi nắm giữ 10% số cổ phần. Trước đó vào tháng 02/2022, Shell đã tuyên bố rút khỏi dự án.

Theo sắc lệnh của Tổng thống Nga, quyết định của phía Nga nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và an ninh kinh tế Nga, cũng như vì “mối đe dọa từ tình huống khẩn cấp có tính chất tự nhiên hoặc nhân tạo”. Những rủi ro này phát sinh do có sự vi phạm của một số cá nhân và pháp nhân về nghĩa vụ để phát triển dự án Sakhalin-2. Sắc lệnh của Tổng thống Nga ghi rằng, tất cả các cổ đông của dự án Sakhalin-2, ngoại trừ Gazprom, phải quyết định trong vòng 1 tháng để chuyển cổ phần của họ sang quyền sở hữu của công ty mới và thông báo cho Chính phủ Nga về việc này.

Theo nhận định của giới chuyên gia, mục đích thực sự của sắc lệnh này là nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của Nga liên quan đến các hành động không thân thiện và bất hợp pháp ngay từ đầu nhằm áp đặt các biện pháp hạn chế chống Nga. Rõ ràng, chính quyền Nga đã gửi đi một tín hiệu và động thái cứng rắn cho phía Nhật Bản – quốc gia đang tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Theo báo Kommersant (Nga), thực tế cho thấy, sắc lệnh mới của Tổng thống Nga đặt các công ty nước ngoài tham gia vào dự án trước sự lựa chọn được/mất. Tuy nhiên, tác động của sắc lệnh đối với hoạt động đầu tư của các công ty Nhật Bản tại thị trường Nga trong tương lai là chưa rõ ràng.

Phản ứng trước sắc lệnh của Tổng thống Nga, công ty Mitsu&Co và tập đoàn Mitsubishi cho biết rằng, hai bên đang thảo luận các bước cần thiết về vấn đề này với nhà điều hành Sakhalin Energy, các đối tác khác và Chính phủ Nhật Bản. Hiện tại, các hoạt động sản xuất tại dự án Sakhalin-2 vẫn tiếp tục.

Về phía Chính phủ Nhật Bản, chính quyền nước này đang tiếp tục thu thập thông tin về tác động đối với những khoản đầu tư của các công ty thương mại lớn của mình tham gia vào dự án và hoạt động nhập khẩu khí đốt thiên nhiên từ dự án. Đồng thời, Nhật Bản sẽ xem xét các biện pháp cần thiết trong tương lai về dự án này.

Nhật Bản đang nhập khẩu thường xuyên nhiên liệu LNG để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ điện và khí đốt cho thị trường nội địa. Nguồn cung LNG từ dự án Sakhalin-2 chiếm 8-9% tổng sản lượng nhập khẩu của nước này. Chính phủ Nhật Bản và các công ty thương mại lớn của nước này cho biết, họ vẫn chưa quyết định rút khỏi dự án Sakhalin-2 vì lý do nguồn cung cần thiết cho nhu cầu điện và khí đốt cho thị trường nội địa.

Tại cuộc họp báo của Chính phủ, Phó Tổng thư ký nội các bộ trưởng Nhật Bản Kihara cho biết, quan điểm của Chính phủ Nhật Bản xuất phát từ thực tế rằng, trong bất kỳ diễn biến sự kiện nào, lợi ích quốc gia của Nhật Bản là đảm bảo đủ lượng tài nguyên năng lượng mà nước này cần. Chính quyền đang nghiên cứu kỹ lưỡng ý định của phía Nga và tác động có thể xảy ra từ sắc lệnh của Tổng thống Nga, cũng như phản ứng của các doanh nghiệp Nhật Bản với tình hình hiện tại.

GFANZ thay đổi cách tiếp cận vốn của các công ty dầu khí

Các chuyên gia của Wood Mackenzie mới đây đã có bài viết phân tích về việc các tiêu chí khí hậu ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong xác định những dự án dầu khí nào được cấp vốn, trong đó có sự ra đời của Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu Net Zero (Glasgow Financial Alliance for Net Zero - GFANZ).

Cuộc khủng hoảng năng lượng đã đặt các chủ ngân hàng vào tình thế khó khăn. Chiến sự ở Ukraine đã đưa ra một lời nhắc nhở rõ ràng rằng, thế giới vẫn phụ thuộc vào hydrocarbon và cung - cầu phải di chuyển song song với nhau. Để đảm bảo điều này, các công ty cần tiếp cận nguồn vốn để hỗ trợ sản xuất mới. Theo Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư hàng đầu Blackrock Larry Fink, những nỗ lực hạn chế đầu tư vào nguồn cung cấp dầu và khí đốt mới sẽ chỉ dẫn đến sự phân cực lớn hơn xung quanh vấn đề biến đổi khí hậu và làm xói mòn tiến độ đạt mục tiêu không phát thải ròng carbon. Đồng thời, ngày càng có nhiều ngân hàng, nhà quản lý tài sản và công ty bảo hiểm lớn trên thế giới gia nhập GFANZ, phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Để tiếp cận vốn, các công ty dầu khí phải đáp ứng các tiêu chí thắt chặt về khí hậu, được nhiều tổ chức tài chính hàng đầu thế giới áp dụng.

Nhưng GFANZ ngay từ đầu đã rõ ràng rằng, các thành viên có thể tiếp tục tài trợ cho các công ty dầu khí, nhưng chỉ khi các công ty này thực hiện các bước thích hợp để hỗ trợ quá trình chuyển đổi. Trong thời gian COP 27 tới, Wood Mackenzie kỳ vọng, Liên minh sẽ tìm cách đẩy nhanh hơn nữa cam kết khử carbon. Việc GFANZ gần đây mở trụ sở châu Á tại Singapore cho thấy tầm quan trọng của khu vực trong việc đạt được các mục tiêu của mình.

GFANZ là gì và vai trò của khu vực châu Á-TBD?

Theo Wood Mackenzie, GFANZ bao gồm các liên minh độc lập theo ngành cụ thể: ngân hàng, bảo hiểm, quản lý tài sản, tư vấn tài sản và cung cấp dịch vụ. Các thành viên hiện nay đại diện cho khoảng 40% tài sản tài chính toàn cầu và đang tiếp tục tăng lên. Mục tiêu chính của liên minh là thúc đẩy đầu tư hệ thống tài chính hướng tới quá trình chuyển đổi năng lượng. Hydrocarbon sẽ vẫn được cấp vốn và các nhà sản xuất vẫn có thể đầu tư, nhưng các thành viên GFANZ sẽ chỉ chuyển hướng vốn cho các công ty có kế hoạch giảm phát thải mạnh mẽ và đáng tin cậy.

Một thách thức chính đối với GFANZ là kết nạp thêm các thành viên mới, đang quản lý 60% số tài sản tài chính còn lại chưa được liên kết. Một số ngân hàng lớn nhất thế giới, các nhà quản lý tài sản, các nhóm đầu tư tư nhân và quỹ hưu trí vẫn nằm ngoài liên minh. Tại khu vực châu Á-TBD có ít đại diện trong GFANZ khi chỉ 19/113 ngân hàng thành viên đến từ khu vực này. Và trong số đó, không có ngân hàng nào có trụ sở chính tại Trung Quốc, Ấn Độ hoặc Đông Nam Á.

GFANZ tác động như thế nào đến các công ty dầu khí?

Với số lượng thành viên lớn, GFANZ đã và đang tác động đến nhiều công ty dầu khí và các dự án có thể huy động vốn. Các nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới có đòn bẩy to lớn thông qua sở hữu của mình trong các công ty niêm yết (nắm giữ từ 7-20% cổ phần các Big Oil) đều đã ký tên vào Sáng kiến “Net Zero Asset Managers Initiative” thuộc GFANZ. Liên minh cũng có thể ảnh hưởng đến các công ty dầu khí (bao gồm cả công ty nhà nước và tư nhân) thông qua hoạt động cho vay, bảo hiểm và chính sách.

Để duy trì khả năng đầu tư, các công ty dầu khí phải chứng minh rằng họ đang thực hiện các bước để phù hợp với các tiêu chí không phát thải ròng: giảm phát thải tạm thời đến năm  2030, chiến lược không phát thải ròng carbon, báo cáo và kế toán minh bạch, tuân thủ các hạn chế về bù trừ.

Các công ty dầu khí cũng đang chịu áp lực ngày càng tăng từ GFANZ trong việc giảm lượng khí thải Phạm vi 3. Hiện tại mới chỉ có số ít công ty dầu khí xem xét phát thải Phạm vi 3 trong mục tiêu của mình. Để đánh giá xem liệu các công ty dầu khí có phù hợp với con đường không phát thải ròng carbon hay không, các thành viên GFANZ cho rằng, một công ty dầu khí đó phải theo một hoặc kết hợp cả ba con đường khử carbon sau:

- Giảm cường độ phát thải: đối với các tài sản hiện có, các công ty nên giảm cường độ phát thải thông qua quá trình khử carbon, mặc dù một số có thể chỉ đơn giản là bán bớt các tài sản phát thải cao như dầu cát.

- Đầu tư vào các công nghệ phát thải: các phát triển mới sẽ đòi hỏi công nghệ thu gom và lưu trữ carbon, đặc biệt là khí sự chú trọng vào phát thải Phạm vi 3 ngày càng tăng lên.

- Thay thế bằng các nguồn năng lượng không phát thải. Các công ty lớn ở châu Âu đang tăng cường đầu tư vào năng lượng gió và năng lượng mặt trời. GFANZ đã đưa NLTT và hydro vào các ưu tiên đầu tư của mình cho đến năm 2025 với khoản giải ngân 370 tỷ USD mỗi năm.

Một lỗ hổng rõ ràng trong tham vọng của GFANZ là 60% tổ chức tài chính bên ngoài liên minh. Tìm hiểu các tiêu chí về khí hậu của GFANZ có thể là một lựa chọn tốt cho các NOCs, ngoại trừ các nhà sản xuất có thể tiếp cận nguồn tài trợ của chính phủ, cũng như các doanh nghiệp có bảng cân đối kế toán mạnh, đủ sức tài trợ cho các dự án. Tuy nhiên, việc tài trợ cho các dự án sẽ trở nên phức tạp hơn khi danh sách những người cho vay và nhà đầu tư không có tiêu chí về khí hậu bị thu hẹp lại.

BRICS muốn thay thế đồng USD

Hội nghị thượng đỉnh BRICS thường niên đã trở thành một diễn đàn phản ánh nhu cầu cải cách hệ thống tài chính quốc tế hiện có. Trong sự kiện này, nhà lãnh đạo Nga đã chính thức thông báo rằng, các nước trong khối đã và đang phát triển một loại tiền tệ mới. Ý tưởng này được đánh giá là khá tham vọng. Nó thực chất là việc tạo ra một hệ thống tài chính mới, thay thế cho hệ thống hiện tại, vốn nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Mỹ. Trang tin 1prime mới đây đã có bài viết phân tích xoay quanh vấn đề này.

Trong Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ XIV (23-24/6/2022) theo hình thức trực tuyến, các nhà lãnh đạo đã thảo luận một nhiệm vụ đầy tham vọng nhưng khá thực tế. Bản chất của nó là việc hình thành một hệ thống tài chính quốc tế mới, an toàn cho những ai tham gia nó và không bị ảnh hưởng bởi Mỹ. Tổng thống Nga V.Putin đã vạch ra tầm nhìn của mình về vấn đề mà hệ thống mới cần giải quyết trên cơ sở hợp tác trung thực và cùng có lợi để tìm cách thoát khỏi tình trạng khủng hoảng vốn gia tăng trong nền kinh tế thế giới do những hành động ích kỷ, thiếu cân nhắc của một số quốc gia riêng lẻ. Bằng việc sử dụng các cơ chế tài chính, họ đã “gieo rắc những sai lầm” của chính họ trong chính sách kinh tế vĩ mô ra toàn cầu.

Các nhà khoa học Nga đã đề xuất mở rộng hệ thống thanh toán MIR đang vận hành thành công ở Nga sang các nước thân thiện bằng cách tích hợp với hệ thống thanh toán lớn nhất thế giới là UNIONPAY của Trung Quốc, cũng như với hệ thống thẻ và thanh toán quốc gia của các nước EAEU, Iran, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Brazil và các quốc gia khác.

Các nhà phân tích tại Sovcombank cho biết, nếu Nga buộc phải nhanh chóng tìm kiếm một giải pháp thay thế cho USD và EUR thì các quốc gia BRICS khác vẫn còn rất nhiều thời gian và có thể sẽ tiếp tục sử dụng những lợi thế của hệ thống đồng USD đến cùng. Vì vậy, việc tạo ra một hệ thống thanh toán BRICS duy nhất có thể sẽ mất nhiều năm và sẽ vấp phải sự phản kháng quyết liệt từ Mỹ.

Kịch bản có thể xảy ra nhất là sự phát triển quan hệ song phương giữa Nga và các nước BRICS, chuyển đổi dần dần sang thương mại và thanh toán bằng tiền tệ quốc gia, cũng như kết nối song phương các hệ thống thanh toán. Việc ra đời các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương trong những năm tới có thể sẽ giúp đẩy nhanh quá trình này.

Các chuyên gia tại Đại học Kinh tế LB Nga mang tên G.V Plekhanov cho biết, việc tạo ra một loại tiền tệ siêu quốc gia trong khuôn khổ BRICS sẽ cung cấp cho việc phát hành một lượng nhất định loại tiền mới, đồng thời bảo lưu các loại tiền tệ quốc gia để đảm bảo thanh toán giữa các nước tham gia. Một giải pháp thay thế cho hệ thống đồng USD sẽ tránh lạm phát đồng USD nhập khẩu, tăng tính ổn định và giảm rủi ro cho nền kinh tế quốc gia của các nước tham gia. Tuy nhiên, việc tạo ra một thỏa thuận như vậy không phải là một quá trình dễ dàng và có thể mất tới 5 năm.

Một số chuyên gia Nga cho rằng, việc quay trở lại bất kỳ mô hình kinh tế nào đều có thể thực hiện được. Nhưng trao đổi hàng hóa có một đặc thù là nó chỉ hoạt động nếu mỗi bên quan tâm đến hàng hóa để trao đổi. Về mặt lý thuyết, một tình huống có thể xảy ra khi hai quốc gia đóng vai trò là đại diện của các công ty, trao đổi hàng hóa và sau đó thanh toán với các công ty bằng tiền tệ quốc gia. Tuy nhiên, không ai trong số các doanh nhân sẽ tự nguyện đi theo lựa chọn này vì nó có nghĩa là chuyển giao giải pháp vì lợi ích kinh doanh của họ cho chính quyền. Do đó, việc hàng đổi hàng có thể là một công cụ sẽ được sử dụng tương đối hạn chế. Đối với việc mở rộng quy mô và thực hiện đầy đủ, quá trình này sẽ mất vài năm.

Nhiều chuyên gia Nga nhận định, việc tạo ra các sàn giao dịch tiền điện tử sẽ phù hợp nếu các doanh nghiệp BRICS không có tham vọng phát triển kinh doanh trong các khu vực pháp  lý do các cơ quan quản lý của Mỹ hoặc châu Âu kiểm soát.

Các sàn giao dịch tiền điện tử mới đầu chỉ nên tập trung vào thị trường nội địa. Với vai trò ngày càng tăng của Nga trong việc sản xuất tiền điện tử, có thể đưa ra các cơ chế để bitcoin khai thác được bán thông qua các nền tảng đã được thiết lập. Trong mọi trường hợp, điều quan trọng là phải có mong muốn và tìm được những người chơi có năng lực từ thị trường. Nếu những người am hiểu tham gia quá trình này, thì việc chuẩn bị để ra mắt các sàn giao dịch tiền điện tử có thể mất không quá một năm.

Các chuyên gia tại công ty đầu tư Univer Capital Investment cho rằng, mọi thứ sẽ được xác định bởi mong muốn hay không mong muốn của các đối tác kinh doanh để thanh toán bằng một loại tiền tệ mới. Một xu hướng rõ ràng là khối lượng giao dịch các thanh toán giữa các nước BRICS đã tăng từ 8 đến 10 lần trong 8 năm qua và xu hướng này về mặt logic có thể dẫn đến việc tạo ra một loại tiền tệ siêu quốc gia. Tuy nhiên, nền kinh tế của nhiều nước BRICS dựa trên nguyên liệu thô. Ngoài ra, có những quốc gia có nhiều tài sản bằng USD. Do đó, riêng tiền tệ của các nước BRICS phải chịu sự biến động cao, đặc biệt vào những thời điểm nền kinh tế thế giới khủng hoảng.

Việc tạo ra một đồng tiền BRICS siêu quốc gia sẽ làm giảm sự biến động và điều này thuận tiện hơn cho các đối tác, nhưng đây là vấn đề thời gian. Các thị trường tài chính mang tính bảo thủ sẽ phải mất ít nhất 10 năm để tin tưởng vào một đồng tiền mới được tạo ra. Trong trường hợp có vấn đề toàn cầu với đồng USD, các nước BRICS trong những năm tới rất có thể sẽ chuyển sang thanh toán bằng đồng CNY, vốn đã nằm trong rổ các đồng tiền dự trữ.




Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​