Luật Dầu khí tác động thế nào với Cameroon?
Dầu khí đóng góp gần 25% vào ngân sách của Cameroon. Bất cứ một sự suy giảm nào đối với dầu khí đều là “đòn chí tử” với chính quyền Cameroon. Tạp chí Cameroon Tribune đã phỏng vấn Paul Dengoue Fansi - Chủ tịch Liên đoàn Các công ty dầu khí quốc gia (FPNP) Cameroon - về những vấn đề đáng quan tâm trong lĩnh vực dầu khí Cameroon.

Paul Dengoue Fansi, Chủ tịch Liên đoàn các công ty dầu khí quốc gia (FPNP) Cameroon

Cameroon Tribune: Thưa ngài, dầu mỏ đóng góp cho nền kinh tế Cameroon như thế nào?

Paul Dengoue Fansi: Ngành dầu khí đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước, nguồn thu chủ yếu từ các hoạt động khai thác ở thượng nguồn, cụ thể là thăm dò dầu khí, phí vận chuyển đường ống và hạ nguồn, thuế đặc biệt đối với các sản phẩm dầu mỏ (TSPP) cũng như thuế doanh nghiệp đối với hoạt động dầu khí. Nhà nước Cameroun quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực dầu khí, cả thượng nguồn và hạ nguồn.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính (Minfi) Cameroon, doanh thu từ dầu mỏ của Cameroon đạt khoảng 355 triệu USD vào cuối tháng 6-2020, giảm khoảng 142 triệu USD so với cuối tháng 6-2019. Minfi giải thích: Giá dầu thế giới ở mức thấp, khó có thể phục hồi sau đợt sụt giảm được ghi nhận vào tháng 3-2020. Trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu từ “vàng đen” của Cameroon khoảng 273 triệu USD từ tiền lãi của Công ty dầu khí quốc gia SNH và 79 triệu USD thuế đánh vào các công ty dầu mỏ.

Trong một thông báo gửi Chính phủ vào tháng 6-2021, SNH đã cảnh báo rằng họ chỉ có thể bảo đảm 30% doanh thu được quy định trong luật tài chính. SNH cho rằng, doanh thu từ dầu mỏ của Cameroon sụt giảm khoảng 70% sau khi giá dầu giảm trầm trọng do đại dịch Covid-19.

Doanh thu từ “vàng đen” đóng góp gần 25% ngân sách của Cameroon, sự hoạt động kém hiệu quả sẽ ảnh hưởng đến tài chính công. Cameroon không có công nghệ hoặc nền kinh tế đa dạng. Dầu mỏ chiếm vị trí quan trọng trong ngân sách Cameroon.

Cameroon Tribune: Tại sao sau khi Luật Chia sẻ sản phẩm dầu khí được thông qua, các công ty dầu khí lớn trên thế giới lại không tới Cameroon?

Paul Dengoue Fansi: Theo Chủ tịch Ủy ban đàm phán các hợp đồng dầu khí, Cameroon đã có thể ký kết hơn 20 hợp đồng dầu khí và thu hút đầu tư đáng kể vào lĩnh vực hydrocarbon sau khi Bộ luật Dầu khí năm 1999 được thông qua.

Để đối mặt với sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong việc thúc đẩy các lĩnh vực khai thác, các chính sách về hợp đồng và thuế trong lĩnh vực hydrocarbon đã được xây dựng lại vào tháng 2-2019, linh hoạt hơn và tạo nhiều động lực hơn để hỗ trợ các công ty dầu khí. Tuy nhiên, sự sụt giảm giá dầu thô và sự phức tạp về địa chất của các khu vực thăm dò mới, quy mô nhỏ của các khám phá được thực hiện ở Cameroon và sự hạn hẹp của lĩnh vực khai thác tạo nhiều trở ngại làm nản lòng các công ty thăm dò, khai thác dầu khí quốc tế lớn.

Đường ống Cameroon-Chad

Cameroon Tribune: Năm 2000, nhờ Luật Tư nhân hóa lĩnh vực dầu khí hạ nguồn, nhiều công ty tư nhân địa phương đã xuất hiện trong khi sự hiện diện của các công ty nước ngoài có xu hướng giảm dần. Điều gì giải thích cho thực tế này?

Paul Dengoue Fansi: Năm 2000, Luật Tư nhân hóa ngành dầu khí hạ nguồn cho phép Nhà nước Cameroon mở ra “cuộc chơi” cạnh tranh và tạo ra động lực mới cho ngành dầu khí ở hạ nguồn.

Đến nay, Cameroon có khoảng 40 công ty nội địa, trong khi chỉ có 3 công ty đa quốc gia lớn, tồn tại từ năm 2000. Sự phát triển của các công ty tư nhân Cameroon chứng tỏ rằng đó là một quyết định đúng đắn. Kỹ năng của đội ngũ nhân viên các công ty địa phương, kiến thức về lĩnh vực hạ nguồn, sự linh hoạt trong việc ra quyết định... đã giúp họ chiếm lĩnh thị phần.

Cameroon Tribune: 20 năm sau, ngài đánh giá thế nào về giá trị của những công ty nội địa đối với nền kinh tế Cameroon?

Paul Dengoue Fansi: Sự hiện diện của các công ty nội địa mới trong 20 năm qua đã giúp tăng số lượng các trạm dịch vụ và tạo ra một nguồn cung lao động tại địa phương. Ít nhất 10.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp đã được tạo ra ở các công ty phân phối, các công ty vận chuyển và các nhà cung cấp dịch vụ. Đương nhiên, chuỗi hoạt động phân phối các sản phẩm xăng dầu sẽ tạo ra giá trị gia tăng ở mỗi giai đoạn và đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Cameroon.

Cameroon Tribune: Trong phân bố không gian của các trạm dịch vụ xăng dầu, các khu vực nông thôn vẫn bị bỏ quên. Chính sách nào tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở những vùng xa xôi của đất nước tiếp cận với các sản phẩm xăng dầu chất lượng tốt?

Paul Dengoue Fansi: Các chính sách, quy định đã tính đến khu vực nông thôn và yêu cầu các công ty phân phối phải có 20% điểm bán hàng ở khu vực nông thôn. Ngoài quy định, các công ty còn phải có trách nhiệm với xã hội, vì chúng ta biết rằng, không phải lúc nào các điểm bán hàng này cũng đáp ứng được tiêu chí về lợi nhuận.

Bất chấp sự xa xôi của những điểm bán hàng ở nông thôn, chúng tôi duy trì một tiêu chuẩn giống hệt nhau về tính sẵn có và chất lượng của sản phẩm. Ngoài ra còn có một cơ quan chuyên tổ chức các cuộc kiểm tra không báo trước tại các trạm dịch vụ khác nhau.

Trong cuộc chiến chống gian lận trong lĩnh vực xăng dầu, đặc biệt là buôn lậu và bơm thiếu, ngoài các quy định được công bố bởi các cơ quan giám sát, chúng tôi coi trọng các thiết bị của các công ty phân phối, các biện pháp nội bộ cũng được thực hiện để chống lại vấn nạn này. Việc kiểm soát chất lượng có hệ thống tại các điểm phân phối cũng được thực hiện. Chúng tôi cũng đang lắp đặt các thiết bị đo từ xa trong các bể chứa, máy bơm và liên tục giáo dục nhân viên về sự nguy hiểm của hàng lậu và sự gian lận trong thương mại.

Cameroon Tribune: Xin cảm ơn ngài!


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​