10 Nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử Dầu mỏ
Dầu mỏ là nguồn tài nguyên có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử hiện đại, là động lực của quá trình công nghiệp hóa, xây dựng đất nước và cũng là nhân tốt quyết định kết quả của các cuộc chiến tranh. Trong khi lịch sử của dầu mỏ có thể bắt đầu từ năm 3000 trước Công nguyên, khi những thợ xây ở Mesopotamia bắt đầu sử dụng nhựa đường làm tăng độ kết dính của gạch, câu chuyện của ngành công nghiệp dầu mỏ hiện đại thực sự bắt đầu từ những năm1850. Kể từ đó, các nhà thám hiểm đầu tư, các ông hoàng, nhà báo, điệp viên và các nhà khoa đều nỗ lực để lại dấu ấn trong ngành công nghiệp này. Dưới đây là danh sách 10 nhân vật, dù xấu hay tốt, đều có tầm ảnh hưởng đến việc định hình ngành công nghiệp dầu mỏ mà chúng ta biết đến ngày nay.

1. George Bissell

 
Thường được mệnh danh là “cha đẻ của ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ”, George Bissell đã biến thứ chất lỏng tưởng như không quan trọng rỉ ra từ đá thành nguồn tài nguyên quan trọng nhất trên trái đất.

Bissell nhận ra rằng 'dầu đá', mà ông từng thấy được thu thập bằng vải vụn để làm thuốc, thực sự có thể được sử dụng như một chất chiếu sáng. Chỉ cần chiết xuất lượng chất lỏng với số lượng vừa đủ có thể cạnh tranh với mỡ cá voi và 'dầu than đá' lúc đó đang được sử dụng trong đèn. Sau khi xác nhận rằng loại 'dầu đá' này có đặc tính hóa học mong muốn, Bissel và các đối tác kinh doanh của ông đã thành lập công ty dầu mỏ đầu tiên, Công ty Dầu mỏ Đá Pennsylvania.

Công ty Pennsylvania Rock Oil đã quyết định rằng cách tốt nhất để khai thác dầu là khoan nó bằng kỹ thuật tương tự đã được phát triển để khoan muối. Công ty thuê Edwin L. Drake, một nhân viên điều hành đường sắt đang thất nghiệp để thực hiện dự án. Drake đến ngôi làng nhỏ Titusville, giành quyền sở hữu vùng đất và thuê William A. Smith giúp anh ta khoan. Vào ngày 27 tháng 8 năm 1859, lần đầu tiên trong lịch sử, hai người đàn ông đã chạm tay vào dầu. Bissell ngay lập tức đến Titusville để mua và thuê rất nhiều trang trại và đã trở thành người đầu tiên trong số nhiều người kiếm bộn tiền từ ngành công nghiệp sắp thay đổi thế giới mãi mãi.

 2. Juan Pablo Pérez Alfonzo


 
Danh sách thành tích của Juan Pablo Perez Alfonzo trong ngành dầu mỏ dài đến mức ấn tượng. Ông có lẽ được biết đến nhiều nhất với tư cách là một trong hai người sáng lập OPEC, một tổ chức mà sau này được ông mô tả là "ý tưởng nhỏ của tôi đã thay đổi lịch sử thế giới." Nhưng OPEC chỉ đơn giản là kết luận hợp lý của công việc mà ông đã bắt đầu từ nhiều năm trước.

Một trong những vấn đề nan giải nhất trong ngành công nghiệp dầu mỏ là việc phân chia 'tiền thuê'. Về mặt kinh tế, tiền thuê dầu là sự khác biệt giữa giá trị của dầu thô được sản xuất và tổng chi phí sản xuất. Từ năm 1943 đến năm 1948, Juan Pablo Perez Alfonzo đóng vai trò then chốt trong việc định hình điều sẽ trở thành tiêu chuẩn toàn cầu để phân chia các đặc lợi này giữa các công ty và các quốc gia. Theo thỏa thuận 50/50 của ông, Venezuela và các công ty dầu mỏ quốc tế đã đồng ý chia đều số tiền thuê đó. Thỏa thuận này dẫn đến thu nhập từ dầu mỏ của Venezuela tăng 600% trong khoảng thời gian từ 1942 đến 1948.

Tuy nhiên, Perez Alfonzo vẫn chưa hoàn thành. Ông nhận ra rằng các nhà sản xuất chi phí thấp ở Trung Đông là mối đe dọa đối với thị phần của Venezuela, do đó, các tài liệu đã được dịch sang tiếng Ả Rập và được phái đoàn Venezuela mang đến Trung Đông. Đột nhiên, Ả-Rập-Xê-Út muốn chia tiền thuê 50/50, trong khi Thủ tướng Mosaddegh của Iran vẫn muốn tiến xa hơn nữa. Một khi khái niệm chia đều thu nhập từ dầu mỏ giữa các quốc gia và các công ty đã được thiết lập, các công ty dầu mỏ gần như không thể chống lại. Công thức 50/50 vẫn là chuẩn mực toàn cầu cho đến khi cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 một lần nữa làm gián đoạn thị trường.

Năm 1948, sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Rómulo Gallegos, Perez Alfonzo xin tị nạn chính trị ở Mỹ và dành nhiều năm nghiên cứu về Ủy ban Đường sắt Texas và cách cơ quan này giải quyết vụ khủng hoảng dầu mỏ vào những năm 1930. Chính trong giai đoạn này, ông đã hình thành những suy nghĩ đầu tiên về cách thức hoạt động của OPEC, những ý tưởng mà sau đó ông đã chia sẻ với Abdullah Tariki khi Wanda giới thiệu chúng ở Cairo.

Một số người có thể ngạc nhiên rằng một người đàn ông đóng vai trò trung tâm trong việc định hình ngành công nghiệp dầu mỏ lại tự coi mình là một nhà sinh thái học và chủ yếu tập trung vào việc bảo tồn năng lượng. Ông tin rằng OPEC cuối cùng sẽ giảm việc sử dụng năng lượng trên toàn thế giới.

3. John D. Rockefeller


Sự nghiệp của John D. Rockefeller trong ngành dầu mỏ bắt đầu vào năm 1865 khi ông mua lại đối tác kinh doanh của mình từ công ty vận chuyển sản phẩm dần dần tập trung vào việc lọc dầu. 5 năm sau, trong nỗ lực củng cố ngành trong giai đoạn giá cả sụp đổ, ông đã cùng với 4 nhà khai thác dầu mỏ khác thành lập công ty dầu mỏ quyền lực nhất trong lịch sử, Standard Oil. Trong những năm tiếp theo, khi dầu hỏa và xăng trở thành nền tảng của cuộc sống ở Mỹ, Rockefeller đã dùng lợi nhuận để mua ngày càng nhiều ngành công nghiệp này - được cho là đã kiểm soát 90% lượng dầu của Mỹ vào năm 1880.

Mục tiêu chính của Rockefeller là chế ngự ngành công nghiệp dầu mỏ mới và ngoài tầm kiểm soát và đảm bảo nó hoạt động hiệu quả và lành mạnh nhất có thể. Để theo đuổi mục tiêu đó, Rockefeller đã thành lập công ty dầu mỏ tích hợp đầu tiên, bắt đầu cuộc chiến giá cả để đè bẹp các đối thủ cạnh tranh, và như Tarbell đã phát hiện ra, cuối cùng đã xây dựng nên chế độ độc quyền dầu mỏ.

Khi Standard Oil bị chia tách vào năm 1911, Rockefeller thậm chí còn trở nên giàu có hơn. Trong khi trọng tâm của ông chủ yếu chuyển sang hoạt động từ thiện trong thế kỷ 20, cái bóng của Rockefeller vẫn bao trùm ngành công nghiệp dầu mỏ. Trên thực tế, những ông lớn dầu mỏ hiện đại Exxon Mobil, Chevron và Marathon Oil đều có thể truy nguyên nguồn gốc của họ từ sự tan rã của Standard Oil năm 1911.

 4. Ida Tabell



Lịch sử ngành công nghiệp dầu mỏ không thể hoàn thiện nếu thiếu người phụ nữ sánh vai với người Mỹ giàu có nhất mọi thời đại, John D. Rockefeller. Ida Tarbell là một nhà báo điều tra, hay còn gọi là “kẻ bới móc”, người đã quyết tâm buộc ngành công nghiệp dầu mỏ phải chịu trách nhiệm. Mọi vụ kiện chống độc quyền hoặc khiếu nại về môi trường chống lại ngành công nghiệp dầu mỏ kể từ đó đều được xây dựng dựa trên di sản của bà.

Trong sự nghiệp lừng lẫy của mình, Tarbell đã viết tiểu sử của cả Napoleon và Lincoln, nhưng nổi tiếng nhất với cuốn sách xuất bản năm 1904 có tựa đề “Lịch sử của Standard Oil”. Cuốn sách được nhà sử học J. North Conway mô tả là "kiệt tác của báo chí điều tra", trình bày chi tiết về phương thức mà Standard Oil sử dụng sự giàu có, quyền lực và mạng lưới tình báo rộng lớn để gây áp lực lên các công ty độc lập và các đối thủ cạnh tranh khác. Cuối cùng, chính việc đó đã dẫn đến sự giải thể của công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới và theo thời gian, sự ra đời của các công ty dầu mỏ lớn của Mỹ mà chúng ta biết ngày nay.

5. Nick Steinsberger


 
Hiện tại, đây là cái tên có thể gây tranh cãi. Thông thường, George P. Mitchell là người được cho là đã giải quyết một trong những vấn đề quan trọng nhất trong lịch sử dầu mỏ: làm thế nào để khai thác dầu và khí đốt một cách kinh tế từ đá phiến sét. Nhưng chính Nick Steinsberger, một kỹ sư tại công ty của Mitchell, vào năm 1997, người đầu tiên áp dụng thành kỹ thuật nứt vỡ thủy lực mà cuối cùng đã dẫn đến sự bùng nổ đá phiến của Mỹ. Mitchell đã có biệt danh là “cha đẻ của fracking”, vì vậy có vẻ công bằng khi Steinsberger nên có vị trí trong danh sách này.

Về mặt kỹ thuật, việc sử dụng thủy lực bẻ gãy đá để kích thích các giếng dầu có thể được bắt nguồn từ năm 1864 khi Edward A. L. Roberts phát triển ngư lôi đầu tiên như một cách để thúc đẩy sản xuất. Công nghệ bẻ gãy thủy lực, sử dụng chất lỏng có áp suất để phá vỡ đá, có thể bắt nguồn từ một thí nghiệm năm 1947. Nhưng phải đến giếng dầu Steinsberger năm 1997, nó mới được chứng minh là có hiệu quả kinh tế. Sản lượng dầu của Mỹ, vốn đang suy giảm dần, đã bắt đầu tăng vọt nhờ bước đột phá công nghệ này. Năm 2018, phần lớn nhờ sự bùng nổ của đá phiến sét, Mỹ đã trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Đồng thời, fracking đã thu hút sự chú ý của các nhóm môi trường vì nó được coi là đầu độc nước ngầm, gây ra động đất và thải ra lượng khí mê-tan khổng lồ. Cho đến ngày nay, nó vẫn là một chủ đề gây tranh cãi, với một số quốc gia cấm fracking hoàn toàn trong khi những quốc gia khác coi đó là con đường dẫn đến độc lập kinh tế.

6. Wanda Jablonski



Được gọi là “nhà báo dầu mỏ có ảnh hưởng nhất trong thời đại của bà ấy” trong Giải thưởng của Daniel Yergin, Wanda Jablonski đã thành lập Tuần báo Tình báo Dầu mỏ, tạp chí được mệnh danh là "kinh thánh của ngành dầu mỏ". Tuy nhiên, không phải là hoạt động báo chí hay di sản của bà với tư cách là người tiên phong cho phụ nữ trong ngành giúp bà có tên trong danh sách này. 'Wanda', chính tên gọi của bà đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một trong những tổ chức dầu mỏ có ảnh hưởng nhất thế giới: OPEC.

Đó là năm 1959, căng thẳng giữa các công ty dầu quốc tế và các nước xuất khẩu dầu tăng cao. Nga vừa quay trở lại thị trường dầu mỏ quốc tế và nguồn cung đang tăng nhanh hơn nhu cầu. Điều này dẫn đến một cuộc chiến giá cả khiến các công ty dầu mỏ cắt giảm giá dầu niêm yết - đơn phương làm giảm doanh thu quốc gia của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ. Đồng thời, Đại hội Dầu mỏ Ả Rập đầu tiên đang diễn ra ở Cairo, với 400 người tham dự, tất nhiên bao gồm cả Wanda. Tại hội nghị, bà ấy đã mời hai trong số những cá nhân nhiệt tình nhất trên thế giới chống lại công ty dầu mỏ đến phòng của bà ấy để họp. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Dầu mỏ Ả-rập- Xê-út Abdullah Tariki gặp ông Juan Pablo Perez Alfonso, Bộ trưởng Bộ Mỏ và Hydrocacbon của Venezuela. Như Wanda đã dự đoán, hai người ngay lập tức thiết lập mối quan hệ và tiếp tục tổ chức một cuộc họp bí mật với các bộ trưởng dầu mỏ khác bên lề hội nghị Cairo. Chính tại cuộc họp này, khái niệm về Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ lần đầu tiên được thành lập.

7. Mohamad Mosaddegh



Với vai trò là Thủ tướng Iran từ năm 1951-1953, ông Mohammad Mosaddegh là nhà lãnh đạo đầu tiên của một quốc gia dầu mỏ ở Trung Đông thực hiện 'lựa chọn hạt nhân' là quốc hữu hóa các nhượng quyền dầu mỏ của mình. Để đối phó với việc quốc hữu hóa này, Anh đã thực hiện lệnh cấm vận dầu mỏ của Iran khiến sản lượng của nước này giảm mạnh từ 660.000 thùng/ngày vào năm 1950 xuống chỉ còn 20.000 thùng/ngày vào năm 1952.

Bất chấp áp lực kinh tế ngày càng tăng, ông Mosaddegh không chịu nhượng bộ, khiến các nhà đàm phán từ cả Anh và Mỹ tức giận. Vào tháng 8 năm 1953, CIA và MI6 khởi xướng Chiến dịch Ajax, một chiến dịch nhằm lật đổ Mosaddegh trong một cuộc đảo chính. Chiến dịch thành công tuy nhiên động lực của ngành công nghiệp dầu mỏ đã thay đổi mãi mãi.

Ngay cả khi Shah trở lại nắm quyền, không có gì có thể đảo ngược được lòng nhiệt thành dân tộc chủ nghĩa đối với dầu mỏ mà Mossadegh đã thổi bùng. Sự phẫn nộ đối với chính phủ Anh và công ty dầu mỏ Anglo-Iranian vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết ở Iran. Trong khi đó, các công ty của Mỹ miễn cưỡng tham gia vào những gì họ coi là một liên doanh rủi ro cao. Nếu không có áp lực từ các chính phủ, có vẻ như không còn đường lùi cho ngành dầu mỏ của Iran.

Giữa Chiến tranh Lạnh, chính phủ Mỹ lo ngại rằng Iran sẽ rơi vào vòng ảnh hưởng của Nga nếu ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này không được các công ty phương Tây phục hồi. Cuối cùng, 7 công ty được chính phủ Mỹ và Anh hỗ trợ, đã đồng ý thành lập một liên doanh ở Iran. Điều quan trọng là liên doanh buộc phải thừa nhận rằng Công ty Dầu khí Quốc gia Iran hiện sở hữu các cơ sở và tài nguyên dầu mỏ của đất nước. Ông Mosaddegh có thể đã bị lật đổ và bị quản thúc tại gia đến hết cuộc đời, nhưng ông ấy đã giành được một chiến thắng quan trọng cho các quốc gia dầu mỏ. Khái niệm về người nước ngoài sở hữu quyền khai thác dầu giờ đây đã thay đổi mãi mãi và Trung Đông sẽ không bao giờ giống như vậy.

 8. Harry St John Bridger Philby



Mặc dù ông không phải là người nổi tiếng nhất trong gia đình (con trai ông, Kim là sĩ quan tình báo khét tiếng của Anh, từng làm điệp viên hai mang cho Liên Xô) nhưng Harry Philby đóng một vai trò không thể thiếu trong sự phát triển của ngành công nghiệp dầu mỏ của Ả-Rập-Xê-Út. giúp hình thành cái mà cuối cùng sẽ trở thành công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, Saudi Aramco.

Philby sinh ra ở Sri Lanka ngày nay, theo học tại Đại học Cambridge, năm 1915 được tuyển dụng vào Cơ quan dân sự Ấn Độ, nơi ông đã góp phần tổ chức Cuộc cách mạng Ả Rập chống lại Đế chế Ottoman. Sự kiện đầu tiên này đã đánh dấu sự khởi đầu cho nỗi ám ảnh suốt đời của ông với văn hóa và ngôn ngữ Ả Rập. Năm 1917, ông được chọn để lãnh đạo một phái bộ đến Bán đảo Ả Rập, nơi ông đã gặp một thủ lĩnh bộ lạc tên là Ibn Saud - người sáng lập tương lai của Ả-Rập-Xê-Út. Cuộc gặp gỡ của với Ibn Saud cuối cùng đã khiến Philpy rời khỏi Cơ quan dân sự Ấn Độ, chuyển sang đạo Hồi và đóng vai trò trung tâm trong việc đàm phán thỏa thuận dầu mỏ có thể được coi lớn nhất mọi thời đại.

Đến năm 1930, Philby tin chắc rằng Ibn Saud và chính phủ của ông đang nắm giữ một nguồn tài nguyên thiên nhiên to lớn chưa được khai thác, nhưng Nhà vua quan tâm đến việc khoan nước hơn là dầu mỏ. Chỉ đến năm 1932 khi Standard Oil của California có phát hiện ra ở Bahrain, nhà vua mới bắt đầu xem xét tiềm năng dầu mỏ của đất nước mình. Standard Oil của California đã tiếp cận Philby với hy vọng được giới thiệu với Nhà vua, nhưng Philby để đẩy giá lên cao, đã liên hệ với Công ty dầu mỏ Anglo-Persian và bắt đầu cuộc chiến đấu thầu. Cuối cùng, vào tháng 5 năm 1933, Standard Oil của California đã vượt qua được Công ty dầu mỏ Anglo-Persian, đánh dấu sự gia nhập của Mỹ vào Ả Ả-Rập-Xê-Út, một quyết định sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng cho cả ngành công nghiệp dầu mỏ và động lực địa chính trị trong khu vực.

9. T Boone Pickens



Đối với ngành công nghiệp dầu mỏ, những năm 1980 là thời điểm có nhiều biến động lớn. Sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1979, tổng thống Ronald Regan đã bãi bỏ hoàn toàn quy định về dầu mỏ, thúc đẩy cạnh tranh và dẫn đến sự hợp nhất trong toàn ngành. Năm 1983, Sàn giao dịch hàng hóa New York  giới thiệu hợp đồng tương lai dầu thô. Cho đến khi tạo ra thị trường tương lai, giá dầu đã được ấn định bởi các công ty dầu mỏ như Standard Oil, các cơ quan quản lý như Ủy ban Đường sắt Texas và OPEC. Hiện tại, giá dầu được quyết định bởi các thương nhân trên thị trường mở.

T Boone Pickens định vị mình ở điểm giao nhau giữa ngành công nghiệp dầu mỏ và Phố Wall, tự cho mình là người phục vụ giá trị của cổ đông. Ông là bậc thầy về sáp nhập và mua lại trong ngành và sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc làm cho ngành trở nên tinh gọn và hiệu quả hơn. Chiến lược của ông là tìm kiếm một công ty có giá cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị trữ lượng dầu khí của công ty đó, mua lại một lượng lớn cổ phiếu của công ty đó, rồi buộc ban lãnh đạo công ty phải hành động để tăng giá trị cổ phiếu. Những giao dịch nổi tiếng nhất của ông bao gồm Gulf Oil, Phillips Oil và Unocal. Các nhà đầu tư trong ngành ngày nay đều mắc nợ T Boone Pickens, người đã chỉ cho họ cách giành lại quyền lực từ tay những gã khổng lồ dầu mỏ.

10. Winston Churchill


Churchill có thể được biết đến nhiều nhất với tư cách là Thủ tướng kiên cường trong thời chiến của Anh, nhưng chính với vai trò là Thủ lĩnh đầu tiên của Bộ Hải quân, ông đã thay đổi ngành công nghiệp dầu mỏ mãi mãi. Năm 1911, khi căng thẳng giữa Đức và Anh gia tăng trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, Churchill đã đưa ra quyết định định mệnh là chuyển từ năng lượng than sang năng lượng dầu mỏ cung cấp cho hạm đội của Anh. Mặc dù ngày nay, một quyết định như vậy có vẻ là một quyết định hiển nhiên, nhưng vào thời điểm đó, nó được coi là liều lĩnh và lãng phí.

Việc chuyển đổi không chỉ tốn kém và mang tính thử nghiệm mà còn khiến hải quân Anh dễ bị tổn thương vì giờ đây họ sẽ phải phụ thuộc vào dầu mỏ từ Ba Tư thay vì than đá sản xuất trong nước. Năm 1914, để đảm bảo nguồn cung cấp dầu đáng tin cậy cho hải quân, Churchill đã thuyết phục Chính phủ Anh mua 51% cổ phần của Công ty Dầu mỏ Anglo-Persian (sau này trở thành BP).

Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra vào tháng 7 năm 1914, quyết định của Churchill đã được minh oan, tàu hải quân mới của Anh nhanh hơn và hiệu quả hơn. Giờ đây, người ta đã chấp nhận rằng dầu thực sự sẽ là nhiên liệu của tương lai và việc đảm bảo nó là vấn đề an ninh quốc gia. Nhờ Churchill, ngành công nghiệp dầu mỏ quốc tế giờ đây sẽ mãi mãi gắn liền với chính sách đối ngoại. Cuộc chiến giành quyền kiểm soát cả tuyến sản xuất và thương mại của nguồn tài nguyên quan trọng này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Anh Ngọc


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​