Cần sớm sửa đổi, đưa quy định cả về thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn vào Luật Dầu khí
"Phải dứt khoát, mạnh mẽ khi kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí để đưa quy định cả về thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn vào luật. Bởi vì, nói đến dầu khí không chỉ nói đến bảo đảm an ninh năng lượng mà còn là an ninh tài chính, an ninh biển đảo…" - ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh.

Tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia - Vai trò của ngành Dầu khí" vừa tổ chức ngày 18/7, ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã có những ý kiến đánh giá thẳng thắn về thực trạng của ngành Dầu khí. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến những quy định quan trọng cần phải có trong Luật Dầu khí bổ sung, sửa đổi lần tới.


Ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội phát biểu tại Hội thảo

Phóng viên Petrotimes lược ghi lại ý kiến của nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội tại Hội thảo.

Theo luật của Quốc hội, sau 10 năm phải ban hành luật mới để chống lạc hậu, thậm chí 5 năm đã phải xin ban hành luật mới. Trong khi đó, Luật Dầu khí ban hành từ năm 1993 đến nay đã 26 năm, mới sửa đổi 2 lần. Trong những lần sửa đổi đó, Chính phủ, Quốc hội đã quan tâm đến những kiến nghị của ngành Dầu khí. Ví dụ khi trình Luật Dầu khí sửa đổi với Quốc hội, chúng tôi kiến nghị lợi nhuận của ngành Dầu khí phải được để lại một tỉ lệ hợp lý, sau đó Chính phủ đã đưa ra quy định để lại lợi nhuận tùy thuộc vào tình hình tài chính của đất nước.

Hay vấn đề ngành Dầu khí gặp vướng mắc trong đấu thầu. Vấn đề này khi đưa ra Quốc hội thảo luận, chúng tôi rất ủng hộ. Tôi nhớ PVN đã cùng với Bộ Công Thương báo cáo giải trình Quốc hội năm 2008, khi đó chúng tôi đã chất vấn tại sao Luật Dầu khí chỉ quy định về thượng nguồn trong khi đó Luật Dầu khí của các nước đã quy định về cả thượng, trung và hạ nguồn.

An ninh năng lượng không chỉ có khai thác mà nó còn bao gồm hoạt động xuất nhập khẩu dầu khí như thế nào, nó còn là hóa dầu, dự trữ như thế nào, phân phối ra sao?

Vì vậy, tôi đề nghị phải dứt khoát, mạnh mẽ khi kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí để đưa quy định cả về thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn vào luật. Bởi vì, nói đến dầu khí không chỉ nói đến bảo đảm an ninh năng lượng mà còn là an ninh tài chính, an ninh biển đảo…

Trong thời gian qua đã có những sự cố đáng tiếc đối với ngành Dầu khí, vì thế xã hội nói chung đang có những nhìn nhận đánh giá không công bằng. Tôi đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến ngành Dầu khí, làm sao để xã hội nhận thức lại, đánh giá đúng vai trò của ngành Dầu khí và quan trọng hơn nữa là phải hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển ngành Dầu khí.


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​