Từ "trái tim" của ngành công nghiệp Khí Việt Nam
Tại trụ sở tòa nhà PV GAS, có một căn phòng được ví như là “trái tim” điều phối hệ thống vận chuyển các nguồn khí từ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc về bờ, đó là Trung tâm Điều độ Khí (ĐĐK).

Công việc của các nhân viên tại ĐĐK tưởng như nhàm chán khi phải tiếp xúc với một màn hình lớn SCADA (hệ thống điều khiển giám sát, thu thập dữ liệu và điều khiển từ xa) và hàng chục máy tính, điện thoại và những con số khô khan đang được hai trưởng ca và kỹ sư điều độ khí điều khiển. Tuy nhiên, đằng sau đó ẩn chứa những câu chuyện rất thú vị.

Trung tâm Điều độ Khí Việt Nam - PV GAS

Căn phòng SCADA với nhiệt độ vật lý mát lạnh nhưng lại vô cùng nóng

Anh Nguyễn Anh Dũng - Trưởng ca ĐĐK tâm sự: “Thoạt nhìn công việc của chúng tôi có thể nghĩ nó là nhàn nhã khi ngồi trong phòng máy lạnh chỉ với những cuộc điện thoại và thao tác lướt chuột máy tính nhẹ nhàng, nhưng thực tế không chỉ đơn giản như vậy. Trong mỗi ca trực, các nhân viên khá căng thẳng và cần hết sức tập trung”.

“Do công tác điều phối dòng khí cung cấp liên tục cho các nhà máy xử lý/chế biến khí nhằm đảm bảo khí thương phẩm đạt chất lượng (on-spec) để cung cấp an toàn và liên tục cho hàng chục tổ máy tuabin khí của nhà máy điện, nhà máy đạm cũng như hàng trăm hộ tiêu thụ khí thấp áp và CNG, trong đó cung cấp khí cho các nhà máy điện đóng góp vai trò cực kỳ quan trọng nhằm đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện và an ninh năng lượng của đất nước. Bất kỳ một thiết bị nào trên hệ thống điện Việt Nam bật lên hay tắt đi đều ảnh hưởng đến phụ tải của hệ thống điện và gây biến động nhu cầu khí, chúng tôi có nghĩa vụ phải đáp ứng tức thời cho sự thay đổi đó vì điều độ theo thời gian thực. Bây giờ hệ thống phức tạp hơn so với 5-7 năm trước đây vì có thêm các nguồn khí mới và hệ thống khí Nam Côn Sơn 2, tần suất sự cố xảy ra ngày càng nhiểu vì các trang thiết bị cung cấp khí đã hoạt động trong thời gian dài, ngoài đảm bảo yêu tố an toàn và kỹ thuật, chúng tôi còn phải cân đối cung - cầu khí các nguồn để đảm bảo hoàn thành các nghĩa vụ thương mại - hợp đồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho cả Petrovietnam và PV GAS” - anh Dũng kể.

Anh Trương Văn Tâm, kỹ sư cùng ca với anh Dũng chỉ lên trên màn hình hệ thống SCADA, giới thiệu những thông số trọng yếu của hệ thống khí, những mỏ khí xa bờ đang hoạt động, các nhà máy chế biến khí, các nhà máy điện lớn với công suất đang được huy động tối đa... Hai chỉ số quan trọng nhất là lưu lượng và áp suất trên toàn hệ thống. Nhiệm vụ của các anh phải làm sao đảm bảo hàng loạt thông số vận hành ở mức tiêu chuẩn và dao động cũng không vượt quá giá trị tối đa và dưới ngưỡng tối thiểu cho phép.

Những phút giây ngồi trên “ghế nóng”

Hiện cả nước đã có 05 hệ thống khí Cửu Long, Nam Côn Sơn 1, Nam Côn Sơn 2, PM3 - Cà Mau và Hàm Rồng - Thái Bình với công suất 9-10 tỷ Sm3 khí/năm, có những năm mùa khô kéo dài như 2014 nhu cầu khí cho sản xuất điện rất lớn kéo theo nhu cầu khí của cả hệ thống đạt 10,2 tỷ Sm3. Theo quy định, mỗi ca trực hai người phải điều phối tất cả. Những lúc sự cố xảy ra, đã có những giây phút như muốn nín thở... Với vẻ mặt vô cùng nghiêm túc, anh Nguyễn Huỳnh Dương – Chuyên viên chính ngồi kể lại câu chuyện cây dầu ở Bình Dương đổ vào đường dây 500kV Bắc - Nam ngày 22/05/2013 làm rã lưới toàn miền Nam.

“Lúc 14h30 ngày 22/05/2013, khi nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn đã chạy vượt công suất 22 triệu Sm3/ngày liên tục hơn 03 giờ đồng hồ. Theo quy định, Trưởng ca ĐĐK đã báo trước và gọi điện xác nhận lần cuối trước khi giảm tải tiêu thụ khí 30 kSm3/giờ tại GDC Phú Mỹ ngay sát với thời điểm rã lưới hệ thống điện miền Nam. Chỉ trong vòng 10 giây, hàng loạt nhà máy điện phải dừng hoạt động và Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) đã điện thoại chỉ trích ĐĐK về yêu cầu giảm tiêu thụ khí lúc cao điểm chiều nói trên. Do hệ thống điện đang có hai đường dây 500kV cùng truyền tải điện cho miền Nam, một đường dây bị “nhảy”, ngay lập tức nhu cầu điện toàn miền tập trung vào đường còn lại đã gây quá tải. Ðiện áp thấp, hệ thống bảo vệ lập tức ngắt luôn các nhà máy điện khỏi hệ thống. Mất điện toàn miền Nam! Báo chí và các đài truyền hình khắp cả nước đồng loạt đăng bài và phóng sự phản ánh về sự cố nghiêm trọng này và tất nhiên hôm ấy như muốn tắt thở ” - anh Dương kể.

Sau khi nguyên nhân được xác định do tài xế xe cẩu trong quá trình cẩu cây dầu lên xe đã đụng phải đường dây 550KV tại thành phố mới Bình Dương, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm. Ngoài ra, mọi người ở ĐĐK còn gọi anh Dương là “cây sáng kiến”, biệt danh này chẳng phải ngẫu nhiên vì anh đã từng hoàn thành đề tài nghiên cứu lớn kéo dài 05 năm “Mô phỏng động vận chuyển khí tự nhiên bằng đường ống áp suất cao” đã được PV GAS khen thưởng và đăng trên Tạp chí Dầu khí.

Niềm vui cô độc mùa dịch Covid

Ai cũng biết thiệt hại khi mất nguồn khí cung cấp cho các hộ tiêu thụ vì gây ảnh hưởng đến an ninh năng lượng và lương thực. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát trên diện rộng lại càng nguy hiểm hơn nếu vì lý do nào đó có thể xảy ra lây nhiễm tại ĐĐK. Vì vậy, cần cách ly mùa dịch và đảm bảo an toàn cho trực ĐĐK, lên phương án nhân sự dự phòng lại trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Ban Tổng Giám đốc đã có quyết định từ ngày 31/05/2021, ĐĐK phải thực hiện cách ly Zone 0 ở SCADA. Con đường về nhà sau giờ làm việc bỗng nhiên ngắn lại vì chỉ cần di chuyển vài bước chân từ phòng làm việc lầu 12 lên khu nghỉ ngơi lầu 16 của PV GAS Tower, không còn không gian rộng lớn cũng như giao tiếp trực tiếp với bên ngoài.

Trung tâm Điều độ khí Việt Nam trong giai đoạn thiết lập vùng làm việc an toàn Zone 0 theo chế độ "3 tại chỗ" phòng chống dịch Covid -19

Làm đúng là điều buộc phải, làm sai thì không thể nào giấu được vì các sự kiện vận hành phải được báo cáo cho Lãnh đạo Trung tâm ĐĐK và phải báo cáo hàng ngày cho lãnh đạo PV GAS. Sau gần 01 tháng làm việc xa nhà, gần 7h00 tối trong khi đang chuẩn bị cho giao ca ngày sang đêm, anh Nguyễn Huy Hải và Nguyễn Việt Cường đã mệt nhoài sau khi hoàn thành tăng tải tối đa cho các nhà máy điện. Anh Hải bỗng nhận được cuộc điện thoại từ con gái Tuệ Lâm hỏi thăm bố hàng ngày. Tuy nhiên, như một quán tính của công việc trực ca kéo dài 12 giờ liên tục, khi bấm chấp nhận cuộc gọi từ điện thoại di động anh Hải trả lời “Alo, tôi Hải trưởng ca ĐĐK nghe”. Đầu máy bên kia, cô con gái anh Hải cười to “Con đây mà, bố lại nhập tâm với công việc à”. Anh Hải chỉ biết lắc đầu cười và trò chuyện hỏi thăm cô con gái đáng yêu của mình.

Ca trực mới thay lại tiếp tục nhập cuộc trong guồng quay của công việc với tiếng chuông điện thoại liên tiếp reo từ các chủ khí xa bờ, các nhà máy chế biến, trạm phân phối khí, hộ tiêu thụ với mục tiêu đảm bảo áp suất hệ thống sẽ không tăng quá cao khi nhu cầu khí qua cao điểm ban đêm giảm mạnh sau 23h đêm. Với mỗi ca trực, tình yêu công việc và niềm vui chỉ đơn giản hệ thống khí an toàn, điện vẫn sáng khắp mọi miền đất nước và đạm được chăm bón cho mùa vàng bội thu.

Gia Phát – Trung tâm Điều độ khí Việt Nam - PV GAS


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​