Thuỷ điện Hủa Na: Một công trình kỳ vĩ
Với công suất 180MW, Nhà máy Thủy điện Hủa Na đóng tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An chỉ được coi là một công trình trung bình, nhưng với những ai đã từng đặt chân đến đây, sự kỳ vĩ lại nằm ở khía cạnh khác.

Xây dựng trên dòng sông Chu, Nhà máy Thủy điện Hủa Na được quản lý, vận hành bởi Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na (PV Power HHC) thành lập từ năm 2007. Để diễn tả rõ nhất sự “heo hút” tại đây, anh Bùi Huy Thành, Phó Giám đốc nhà máy, cho biết: “Bán kính 20km quanh nhà máy không có bất cứ một nhà dân nào”. Và chúng tôi cũng mất gần 1 tiếng rưỡi đồng hồ để có thể đi được quãng đường 30km từ trung tâm xã gần nhất vào đến nhà máy.

Nhà máy Thủy điện Hủa Na nhìn về phía hạ lưu

Người lao động tại đây làm việc theo thời gian 2 tuần, nghĩa là cứ làm 2 tuần ở nhà máy thì lại được đổi ca, xuống làm tại trụ sở Công ty ở TP. Vinh (Nghệ An) 2 tuần, hoặc nghỉ theo chế độ. Số lượng cán bộ duy trì ở nhà máy khoảng 30-40 người. Những năm đầu công việc vất vả, cuộc sống thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần nên tại nhà máy phát sinh nhiều vấn đề gây mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo Công ty, đứng đầu là anh Hoàng Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT và anh Trịnh Bảo Ngọc - Giám đốc Công ty đã quyết tâm lập lại trật tự, xây dựng một văn hóa mà về sau các anh tự hào gọi đó là “Văn hóa Hủa Na”.

Sự kỳ vĩ của Thủy điện Hủa Na

Lãnh đạo Công ty xác định việc đầu tiên cần làm là phải cải thiện, nâng cao đời sống vật chất của người lao động. Với cường độ lao động nặng nhọc trong môi trường độc hại, thì đồ ăn, chốn ở phải đầy đủ mới đảm bảo sức khỏe. Nhưng để nhà bếp có thể mua được đồ ăn tươi sống hàng ngày thì cần ra trung tâm huyện cách nhà máy 60km đường đèo dốc. Chẳng còn cách nào khác, anh em phải tự nuôi, tự trồng. Thế là anh Trịnh Bảo Ngọc họp cả Công ty lại, quy hoạch khu trồng rau, khu nuôi gà... và yêu cầu anh em thực hiện theo từng tổ. Nhớ lại những ngày đó, anh Ngọc bồi hồi: “Ban đầu khó lắm, thứ nhất là anh em không vui vì cả ngày làm việc mệt nhọc rồi chiều chiều ông Giám đốc lại còn bắt đi cuốc đất trồng rau. Thứ nữa là đất ở đây chủ yếu là đất đồi, cây ăn quả thì dễ chứ rau lên còi cọc lắm, chẳng ăn được...”. Nhưng có bàn tay con người, đất đá cũng hóa vàng. Sau một thời gian cải tạo, những cây cải, cây xà lách dần dần lớn lên, mấy chú gà thì cứ béo mầm, bữa ăn của người lao động được cải thiện rõ rệt. Mỗi tổ như tổ điện, tổ cơ khí, tổ sửa chữa... được chia một khoảnh đất riêng và được giao nhiệm vụ trồng những loại rau khác nhau. Hằng ngày, Lãnh đạo Công ty sẽ đi kiểm tra, vườn rau nào chưa tưới hay không được chăm bón tốt sẽ bị trừ vào điểm thi đua của cả tổ. Còn bếp thì được ra vườn hái bất kỳ loại rau nào để nấu, nhiệm vụ trồng lại là của các tổ.

Vườn rau “tự canh tác” của anh em người lao động Nhà máy Thủy điện Hủa Na

Tiếp nối vườn rau và chuồng gà, anh em cải tạo lại một đoạn hầm ngầm trong núi được làm từ ngày nhà máy đang xây dựng nay bỏ không để nuôi cá. Khoảng 3.000 con cá đủ các loài được thả trong một đoạn hầm sâu 350m trong lòng núi, nghe thôi cũng đủ thấy cá ở đây ngon và béo như thế nào. Trong nhà máy chỉ nuôi từ những loại gia cầm như ngan, vịt, gà… còn các loại gia súc như lợn, dê, bò, trâu... thì Công ty sẽ hỗ trợ người lao động xây dựng chuồng trại, mua sắm con giống, thức ăn... Ai được giao khoán chỉ cần bỏ công chăm sóc nhưng phải đảm bảo là nuôi sạch, khi nào đàn lớn sẽ được bán ra ngoài hoặc chính Công ty sẽ mua lại để làm thực phẩm. Qua đó thu nhập của chính anh em cũng được cải thiện. Ngoài ra, khuôn viên nhà máy cũng quy hoạch khu trồng cây với khoảng gần 100 loài cây ăn quả như bưởi, chuối, táo, ổi, chanh leo, nho... rồi cả cây chè, hoa đào, hoa giấy, hoa hướng dương, hoa hồng... Tất cả tạo nên một Thuỷ điện Hủa Na “xanh - sạch - đẹp” một cách lung linh giữa đại ngàn rừng núi.

Hồ nuôi cá

Cùng với sự giúp đỡ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội các cấp... người lao động tại nhà máy còn được xây dựng một sân bóng đá, một sân bóng chuyền, một phòng tập gym, một sân cầu lông, một bàn bóng bàn... Đứng cạnh bể bơi đang trong quá trình xây dựng, nhìn anh em chơi bóng, anh Ngọc tự hào nói với chúng tôi: “Bể bơi này đúng tiêu chuẩn Olympic, nước được dẫn từ suối về nên mát và trong lắm. Chiều nào anh em cũng chơi thể thao mà chỉ “cá cược” với nhau lon bia với con cá chỉ vàng thôi”.

Toàn cảnh khu nhà ở và vườn cây của Nhà máy Thủy điện Hủa Na

Chuyện ăn, chuyện chơi coi như ổn. Câu chuyện còn lại là chốn ở. Cũng nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp chính quyền, đoàn thể, nhà máy xây dựng được 3 khu nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi để phục vụ đời sống anh em. Các dãy nhà chia ra nhiều loại phòng, trong đó có cả phòng gia đình (hay dân du lịch gọi là family suite) với đầy đủ phòng ngủ, phòng khách, bếp... Các khu ở đều có khuôn viên cây cảnh, có khu vực sinh hoạt chung để uống trà, cafe, hát karaoke, tập thể dục...

Đến với Hủa Na, những chuyến công tác không còn là những ngày xa nhà vất vả nữa mà như một kỳ nghỉ với đầy ắp tình cảm. Người Hủa Na mến khách, tận tình, chu đáo, và luôn mở lòng với khách đến dù họ chỉ ghé chơi xin vào thăm quan nhà máy, tạo nên một “Văn hóa Hủa Na” ấn tượng với tất cả những ai từng đặt chân đến vùng đất “heo hút” này.

Không khí trong lành, đồ ăn tuyệt hảo, chỗ ở tiện nghi, dịch vụ đầy đủ, con người thân thiện, hiếu khách tại “Hủa Na resort” đã thực sự biến Nhà máy Thủy điện Hủa Na trở nên thật kỳ vĩ trong mắt những người từng may mắn được làm việc, được ghé thăm, được trải nghiệm tại đây.

Nghệ An, tháng 01/2022
Phúc Thái


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​