Cổ phiếu vận tải biển cất cánh
Kết quả sản xuất kinh doanh tích cực, giá cước vận tải tăng cao hỗ trợ nhóm cổ phiếu ngành vận tải biển cất cánh, tạo sóng mới, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua (17/9), các cổ phiếu nhóm ngành vận tải biển đều tăng mạnh. Trong đó cổ phiếu của Công ty CP Vận tải Sản phẩm khí Quốc tế (Gas Shipping, HOSE: GSP) tăng trần 6,94% lên 15.400 đồng/cổ phiếu; Công ty CP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (PVTrans Pacific, UPCoM: PVP) tăng 4,37% lên 19.100 đồng/cổ phiếu; Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans, HOSE: PVT) tăng 2,48% lên 24.800 đồng/cổ phiếu; Công ty CP Vận tải Biển Vinaship (UPCoM: VNA) tăng 2,33% lên 44.000 đồng/cổ phiếu; Công ty CP Vận tải Đa phương thức Duyên Hải (HOSE: TCO) tăng 5,6% lên 33.000 đồng/cổ phiếu; Công ty CP Vận tải Biển Việt Nam (Vosco, HOSE: VOS) tăng 3,01% lên 23.800 đồng/cổ phiếu; Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HOSE: HAH) tăng 0,72% lên 69.800 đồng/cổ phiếu… Các cổ phiếu này đều đang giao dịch ở vùng giá đỉnh, tăng từ 1 - 4 lần trong vòng 1 năm qua.


PVT vừa đầu tư tàu chở khí hóa lỏng lạnh loại VLGC đầu tiên - tàu NV Aquamarine

Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh

Tình hình kinh doanh khả quan được coi là động lực chính giúp nhóm cổ phiếu vận tải biển thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư thời gian qua. Trong đó, 9 tháng đầu năm 2021, PVT ước đạt doanh thu 5.430 tỷ đồng, tương đương với 91% kế hoạch năm và lợi nhuận trước thuế ước đạt 650,8 tỷ đồng, tương đương 130% kế hoạch năm.

Cùng xu hướng tăng trưởng mạnh của ngành vận tải biển, lũy kế tới tháng 9/2021, tổng doanh thu của GSP ước đạt 1.230 tỷ đồng, đạt 134% so với kế hoạch 9 tháng và 95% kế hoạch cả năm 2021; lợi nhuận sau thuế lũy kế ước đạt 42 tỷ đồng, đạt 125% so với kế hoạch 9 tháng và 81% kế hoạch cả năm 2021.

Theo báo cáo tài chính nửa đầu năm 2021, PVP ghi nhận doanh thu thuần là 612 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ; tuy nhiên lợi nhuận trước thuế đạt 118,5 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 90,4 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong quý II vừa qua, HAH ghi nhận doanh thu thuần tăng 72% so với cùng kỳ năm trước, đạt 449,3 tỷ đồng và lợi nhuận ròng đạt 97,7 tỷ đồng, tăng 150%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần HAH đạt 808 tỷ đồng và lợi nhuận ròng ghi nhận hơn 183,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 49% và 161% so với cùng kỳ. Với kết quả này, trong 6 tháng đầu năm 2021, HAH mới thực hiện được 49% chỉ tiêu doanh thu (1.661 tỷ đồng), song đã vượt 16% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế (157,8 tỷ đồng) năm 2021.

Tăng tốc mở rộng quy mô đội tàu

Cùng với kết quả kinh doanh tích cực, các đơn vị vận tải biển đang tăng tốc đầu tư, mua, thuê tàu, mở rộng quy mô, chớp cơ hội phát triển. Từ đầu năm đến nay, PVT đã tiếp nhận thành công nhiều tàu mới. Trong đó, tàu PVT AZURA (tàu dầu/hóa chất) có tải trọng 19.945 DWT, đầu tư vào đầu tháng 2; 1 tháng sau đó tiếp nhận tàu PVT DAWN (tàu dầu/hóa chất) với trọng tải toàn phần là 13.094 MT. Đặc biệt, đầu tháng 7 vừa qua, PVT tiếp nhận tàu NV Aquamarine, loại VLGC (fully refrigerated VLGC - Very Large Gas Carrier) đầu tiên, thuộc nhóm tàu chở khí hóa lỏng lạnh lớn nhất thế giới, với dung tích chở hàng 81.605 CBM hướng tới phục vụ cho phân khúc khách hàng cao cấp hơn.


Ngày 17/9, GSP chính thức tiếp nhận tàu dầu/hóa chất Shamrock Jupiter

Mới đây, ngày 17/9/2021, đơn vị thành viên của PVT là GSP chính thức tiếp nhận tàu dầu/hóa chất Shamrock Jupiter - IMO 9416082, có trọng tải 19.387 DWT tại cảng Santos - Brazil, tàu đã được đưa vào khai thác ngay tại thị trường châu Mỹ. Theo kế hoạch đề ra, trong năm 2021, GSP sẽ tiếp tục đầu tư thêm 1 tàu chở dầu/hóa chất số 1 có trọng tải khoảng 20.000 DWT.

Hiện nay, tổng đội tàu của PVT đã có tổng trọng tải hơn 1 triệu DWT, đa chủng loại từ tàu dầu thô, tàu dầu sản phẩm/hóa chất, tàu LPG và tàu hàng rời. Bên cạnh việc giữ vững thị trường vận chuyển nội địa, PVT đã phát triển mạnh ra thị trường quốc tế với khoảng 80% đội tàu đang hoạt động tại nhiều khu vực trên thế giới, đồng thời PVTrans bắt đầu tham gia vào các thị trường vận tải có tiêu chuẩn cao như châu Âu, châu Mỹ.

PVP năm 2021 cũng đặt kế hoạch đầu tư 3 tàu gồm: 1 tàu chở dầu thô loại VLCC (dự án chuyển tiếp), tổng mức đầu tư 41,7 triệu USD; 1 tàu chở dầu thô loại Aframax (tàu Aframax số 2 - dự án đầu tư chuyển tiếp) có tổng mức đầu tư 26,52 triệu USD; 1 tàu chở dầu thô loại Aframax (tàu Aframax số 3 - đầu tư mới) có tổng mức đầu tư 26,52 triệu USD.

Cũng có kế hoạch nâng cấp đội tàu trong tương lai, HAH sẽ đóng mới tàu chuyên chở container 1.800 teu loại SDARI Bangkok Max IV tại Trung Quốc trong giai đoạn 2021-2024. Cùng với đó, công ty sẽ mua 2 tàu cũ loại 1.000 - 1.500 teu để sử dụng cho tuyến ngắn Hải Phòng, Hồng Kông - Nam Trung Quốc và miền Trung, Cái Mép - TP HCM.

Các chuyên gia dự báo, ngành vận tải biển tiếp tục duy trì triển vọng tăng trưởng tích cực nhờ nguồn công việc duy trì ổn định trong nửa cuối năm. Cùng với đó, giá cước vận tải có chiều hướng biến động tốt. Các tàu đầu tư mới được đưa vào hoạt động thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh của các doanh nghiệp. Với tình hình kinh doanh khả quan, các chuyên gia, công ty chứng khoán đưa ra khuyến nghị nắm giữ với cổ phiếu ngành vận tải biển với tiềm năng tiếp tục sinh lời tích cực.

Theo Báo cáo phân tích từ Công ty CP Chứng khoán SSI, cước vận chuyển tăng cao ở các tuyến đường dài như tuyến châu Á - châu Âu và châu Á - Bắc Mỹ, tăng khoảng 4-8 lần trong vòng một năm. Bên cạnh đó, giá cước các tuyến đường ngắn hoặc tuyến nội vùng có mức tăng khiêm tốn hơn, giá cước trung bình của tuyến Thượng Hải (Trung Quốc) đến Busan (Hàn Quốc) tăng 81% so với cùng kỳ.

Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​