Cơ hội đón sóng cổ phiều ngành điện
Theo dự báo của các chuyên gia, trong khoảng cuối năm 2021, nhu cầu tiêu thụ điện ở Việt Nam sẽ tăng mạnh do yếu tố thời tiết và các ưu tiên trong chính sách của Nhà nước nhằm thúc đẩy nền kinh tế sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19. Theo đó, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngành điện sẽ có nhiều khởi sắc.

Thực trạng ngành điện hiện nay

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc đã tăng đáng kể từ đầu năm. Theo đó, đã có những thời điểm công suất tiêu thụ đạt đỉnh với sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc là 42.146 MW (21/6/2021). Theo EVN, sản lượng điện thương phẩm tháng 8/2021 ước đạt 19,2 tỷ kWh, lũy kế 8 tháng đạt 151,49 tỷ kWh, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 8/2021, tiêu thụ điện miền Bắc, miền Trung vẫn tăng trưởng rất cao do xuất hiện các đợt nắng nóng với công suất đỉnh đạt 21.782 MW. Trong khi đó, tiêu thụ điện tại khu vực miền Nam đã sụt giảm từ khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội từ giữa tháng 7. Dự kiến sản lượng tiêu thụ điện phía Nam sẽ tăng trở lại sau khi tình hình dịch bệnh có tiến triển tốt.

Ngành điện được dự báo khởi sắc trong những tháng cuối năm

Theo báo cáo từ EVN, lũy kế 8 tháng đầu năm 2021, nhiệt điện khí huy động chỉ chiếm khoảng 11,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống; huy động điện than chiếm 49,2%; huy động thủy điện vẫn tiếp tục đà tăng từ quý I/2021 và tăng khoảng 20% so với cùng kỳ 2020, chiếm hơn 26% tổng sản lượng điện huy động.

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ điện năng ngày càng tăng, công suất dự phòng điện toàn quốc tiếp tục là bài toán đầy thách thức cho ngành điện. Nếu xét cả các nguồn năng lượng tái tạo, khả năng cung ứng điện vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, nếu không xét đến thì hệ thống điện miền Bắc và miền Nam sẽ thiếu công suất dự phòng, đặc biệt là vào buổi tối khi không có hệ thống lưu trữ điện mặt trời. Việc này khiến ngành điện phải tăng số lần khởi động các tổ máy thủy điện và nhiệt điện để đảm bảo nguồn cung. Ngoài ra, sự gia tăng của năng lượng tái tạo đã khiến các nhà máy điện than, khí phải giảm công suất để nhường chỗ cho việc huy động điện từ các nguồn năng lượng tái tạo. Vậy nên, nhằm đảm bảo cung ứng điện trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương chỉ đạo xem xét cơ chế phù hợp hơn đối với các nguồn năng lượng tái tạo, đẩy nhanh tiến độ các nhà máy điện khí hóa lỏng (LNG). Đây cũng là mảng phát triển trọng tâm của Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 trong dự án nhiệt điện có tổng công suất 1.500 MW sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) dự kiến bắt đầu vận hành trong giai đoạn 2023-2024.

Cổ phiếu nào đáng chú ý?

Trong bối cảnh hiện tại, ngành điện vẫn còn đối diện với nhiều thách thức nhưng cổ phiếu ngành được các chuyên gia đánh giá là đang có dấu hiệu hồi phục. Theo EVN, cuối năm là thời kỳ mùa mưa nên thủy điện sẽ được ưu tiên khai thác. Vậy nên, trong ngắn hạn thủy điện vẫn khá lạc quan với nhiều dư địa phát triển. Một số cổ phiếu thủy điện đáng chú ý như Công ty Cổ phần Thủy điện Hủa Na (HNA), Thủy điện Thác Bà (TBC) hay Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE). Các cổ phiếu này đã có sự tăng trưởng khá tốt trong khoảng từ 7-10% từ đầu năm và dự kiến sẽ còn tăng tiếp trong khoảng thời gian đến cuối năm khi một số nhà máy như Hủa Na đã hoàn thành đại tu, sẵn sàng vận hành lại.

Nguồn: Bloomberg (1/1/2021 – 30/9/2021)

Trong bối cảnh hiện tại, các nhà đầu tư có thể đầu tư chiến lược vào cổ phiếu tiềm năng như cổ phiếu của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP), Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) hay Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) với những yếu tố hỗ trợ tiềm năng như sự cải thiện của dòng tiền, sự hỗ trợ về chính sách phát triển của Nhà nước và sẽ còn nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới.

Cụ thể, đối với Nhiệt điện Quảng Ninh, nhờ chi phí giá vốn giảm, hoạt động kinh doanh ổn định, dòng tiền gửi có kỳ hạn làm gia tăng doanh thu tài chính của công ty. Tính đến hết quý II/2021, công ty đạt 4.265 tỷ đồng doanh thu nửa đầu năm, lãi sau thuế hơn 310 tỷ đồng, gấp 15 lần nửa đầu năm ngoái. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2021, NT2 đã hoàn thành trả nợ cho nguồn vốn vay nước ngoài phục vụ đầu tư dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 đúng hạn. Việc hoàn thành trả nợ khoản vay tương đương 11.375 tỷ đồng đã khẳng định tính hiệu quả của dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 2. Tính hiệu quả của dự án còn thể hiện qua con số lũy kế cổ tức của quý cổ đông nhận được từ năm 2014 đến nay là 182,92% bằng tiền mặt, đóng góp cho ngân sách Nhà nước hơn 2.805 tỷ đồng.

Với vị thế của cổ phiếu thuộc VN30, PV Power được đánh giá là ẩn số trong thời gian tới. Đứng trước những khó khăn, thử thách do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, PV Power luôn đảm bảo hiệu quả trong công tác kinh doanh cũng như duy trì tình hình tài chính lành mạnh. Theo đó, các nhà máy điện của PV Power trong tháng 6 đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu sản lượng và doanh thu đề ra. Cụ thể, các nhà máy điện Vũng Áng 1, Hủa Na, Đắkđrinh hoàn thành vượt mức chỉ tiêu sản lượng từ 106% đến 155% kế hoạch tháng. Tính đến hết tháng 8, tổng sản lượng điện của PV Power ước đạt 13,121 tỷ kWh, tổng doanh thu của PV Power ước đạt 19.739 tỷ đồng. Trước đó, sau nửa năm, PV Power đã ghi nhận mức doanh thu đạt 15.624 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 1.430 tỷ đồng, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ 2020 và vượt 9,8% kế hoạch lợi nhuận năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ vay tài chính/tổng nguồn vốn cũng giảm 2%, do trong kỳ PV Power đã trả bớt gốc vay. Theo đó, với việc đã hoàn thành khoản nợ vay cho dự án Nhơn Trạch 2, PV Power sẽ có thể tập trung tối đa nguồn lực cho dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4. Ngoài ra, PV Power đã đón đầu xu thế bằng việc xúc tiến đầu tư các dự án điện sử dụng nhiên liệu LNG nhập khẩu, tiêu biểu là dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4. Bất chấp tình hình dịch bệnh phức tạp, PV Power đã mở thầu gói thầu EPC vào ngày 23/8/2021, Ban Quản lý dự án hiện đang xem xét hồ sơ dự thầu; tiếp tục thực hiện công tác thu xếp vốn, đàm phán hợp đồng mua bán khí và mua bán điện.

Nguồn: Bloomberg

Trong tháng 9, thanh khoản POW có sự cải thiện rõ rệt với khối lượng giao dịch trung bình đạt 13,83 triệu cổ phiếu/phiên, tăng hơn 35,19% so với tháng 8. Giá trị giao dịch trung bình tương ứng đạt hơn 166 tỷ đồng/phiên. POW tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu với thanh khoản so với các cổ phiếu ngành điện khác với giá trị giao dịch trung bình phiên gấp 6 lần so với cổ phiếu xếp thứ 2 là NT2.


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​