Băng địa chấn tổng hợp
Từ các số liệu đo được của các phương pháp địa vật lý giếng khoan, kết hợp với tài liệu địa chất từ mẫu khoan có thể xác định chính xác độ sâu các mặt ranh giới và các tham số vật lý khác của đất đá. Trên cơ sở các số liệu thực tế này có thể hình thành một băng địa chấn lý thuyết hay còn gọi là “băng địa chấn tổng hợp” (Synthetic Seismogram).

Cơ sở để hình thành băng địa chấn tổng hợp là các số liệu thực tế từ các giếng khoan như mật độ (ρ), tốc độ (v) có thể tính trở sóng (Z = ρv) và từ đó tính được hệ số phản xạ của mặt ranh giới R.

R = (ρ2v2 - ρ1v1)/ (ρ2v2 + ρ1v1)

Biểu diễn sự phân bố của hệ số phản xạ theo thời gian truyền sóng (hoặc theo chiều sâu) và tích chập với dạng xung sóng địa chấn do nguồn phát ra cho phép hình thành các băng địa chấn lý thuyết. Băng địa chấn tổng hợp có ý nghĩa rất quan trọng để chính xác hóa minh giải tài liệu địa chấn trên mặt.

- Chính xác hóa độ sâu các mặt ranh giới. Trong thăm dò địa chấn, các lát cắt địa chấn được thành lập theo thời gian truyền sóng. Để chuyển đổi từ lát cắt thời gian thành lát cắt chiều sâu cần có bước tính trung gian qua quy luật tốc độ. Trong thực tế do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau nên việc xác định quy luật tốc độ có thể có sai số nên qua quá trình chuyển đổi này việc xác định độ sâu các mặt ranh giới có thể thiếu chính xác. Vì vậy so sánh băng địa chấn thực địa và băng địa chấn tổng hợp giúp chính xác hóa độ sâu các mặt ranh giới.

- Chính xác hóa quy luật tốc độ. Trong quá trình so sánh băng địa chấn thực địa và băng địa chấn tổng hợp, những trường hợp ranh giới bị xê dịch do xác định tốc độ chưa chính xác thì sau khi hiệu đính sẽ giúp cho việc xác định quy luật tốc độ chính xác hơn. Điều này rất quan trọng để chuyển đổi từ lát cắt địa chấn sang lát cắt độ sâu kể cả các vùng chưa có giếng khoan.

Phát hiện và loại trừ nhiễu lặp: Trong trường hợp do ảnh hưởng của nhiễu, đặc biệt là nhiễu lặp nên trên lát cắt địa chấn có thể tồn tại các mặt ranh giới ảo. Khi so sánh với băng địa chấn tổng hợp có thể phát hiện và loại bỏ các nhiễu này. Khi cần thiết có thể tính băng địa chấn tổng hợp cho loại nhiễu để nhận dạng chính xác và loại trừ nhiễu đó.

Như vậy so sánh băng địa chấn thực địa và băng địa chấn lý thuyết không chỉ xác định các ranh giới địa tầng theo tài liệu đo địa chấn mà còn chính xác hóa quy luật tốc độ phục vụ cho chuyển đổi lát cắt cả những vùng không có giếng khoan, loại bỏ các ranh giới ảo trên lát cắt địa chấn do nhiễu lặp.

Mô hình tính toán băng địa chấn tổng hợp được thể hiện trên hình 8.12a. Hình ảnh tính toán băng địa chấn tổng hợp từ tài liệu thực tế trong giếng khoan (đường cong mật độ, tốc độ, trở sóng và dạng xung) được thể hiện trên hình 8.12b. Hình 8.13 là so sánh băng địa chấn tổng hợp với băng địa chấn đo được ở trên mặt dọc theo tuyến cắt qua giếng khoan cho phép xác định chính xác độ sâu các mặt ranh giới. Trên hình 8.14 là hình ảnh liên kết tài liệu giếng khoan và băng địa chấn tổng hợp. Trên hình 8.15 là hình ảnh so sánh lát cắt địa chấn với băng địa chấn tổng hợp và đường cong đo siêu âm trong giếng khoan. Băng địa chấn tổng hợp được xây dựng theo mô hình từ số liệu giếng khoan nên khi đối sánh với tài liệu địa chấn cho phép chính xác hóa ranh giới địa tầng. Đường cong đo siêu âm cho phép xác định tốc độ truyền sóng với dải tần số cao nên có độ phân giải cao để xác định tỉ mỉ các lớp mỏng, thể hiện rõ các ranh giới phân chia địa tầng. Trên hình 8.16 là các thí dụ phân tích lát cắt địa chấn và so sánh với băng địa chấn tổng hợp để xác định ranh giới các tập địa chấn, các tập sét và cát chứa nước, chứa khí.

Hình 8.12 - Quá trình hình thành băng địa chấn tổng hợp - a. Mô hình tính toán; b. Tính toán từ số liệu thực tế trong giếng khoan

Băng địa chấn tổng hợp

Hình 8.13 - So sánh băng địa chấn với băng địa chấn tổng hợp

Băng địa chấn tổng hợp

Hình 8.14 - Liên kết tài liệu giếng khoan và băng địa chấn tổng hợp

Băng địa chấn tổng hợp

Hình 8.15 - So sánh tài liệu địa chấn với băng địa chấn tổng hợp và đường cong siêu âm

Băng địa chấn tổng hợp

Hình 8.16 - Thí dụ phân tích lát cắt địa chấn và so sánh với băng địa chấn tổng hợp - a. Xác định ranh giới các tập địa chấn; b. Xác định các tập sét, cắt chứa nước và khí

Theo Minh giải địa chấn trong thăm dò và khai thác dầu khí

Biến đổi ngược sau cộng sóng - Phần 1
Biến đổi ngược sau cộng sóng - Phần 2
Biến đổi ngược trước cộng sóng
Các đường cong địa vật lý giếng khoan


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​