Mỏ Đại Hùng: Số phận kỳ lạ của mỏ dầu khí trị giá... 1 USD (kỳ I)
Có lẽ đây là chuyện hy hữu nhất trên thế giới này khi người ta lại bán một mỏ dầu khí với giá 1USD. Trước những khó khăn nan giải, các nhà đầu tư nước ngoài đành “bỏ của chạy lấy người” để lại cho Việt Nam mỏ dầu Đại Hùng với giá… tượng trưng. Cái tên “Big Bear Gấu Lớn” trùng với tên chòm tinh tú sáng nhất bầu trời nhưng có lẽ đây là một trong những đại công trình trải qua nhiều thăng trầm nhất của ngành Dầu khí.

Câu chuyện 40 năm trước

Vào thập niên 60 của thế kỷ XX, ngành công nghiệp dầu khí thế giới có những bước chuyển biến quan trọng, nhiều quốc gia thành lập công ty dầu khí của mình và hoạt động hợp tác thăm dò khai thác bùng nổ.

Thời đó tại miền Bắc, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước XHCN khác đã bắt đầu tìm kiếm dầu khí bằng việc thành lập Đoàn Địa chất 36 (thuộc Tổng cục Địa chất) vào ngày 27/11/1961 với nhiệm vụ khảo sát, điều tra về dầu khí tại Đồng bằng sông Hồng và miền Bắc Việt Nam.

Tại miền Nam, sau khi một số công ty nước ngoài vào tìm kiếm, đánh giá và công bố phát hiện, rất nhiều công ty dầu khí lớn trên thế giới quan tâm đến tiềm năng dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam. Năm 1970, chính quyền Sài Gòn ban hành Đạo luật Dầu hỏa số 011/70, ấn định việc thăm dò, khai thác dầu mỏ cùng điều kiện thuế khóa và hối đoái có liên quan, mở đầu cho việc cấp quyền đặc nhượng thăm dò và tìm kiếm dầu mỏ.

Mỏ Đại Hùng nằm ở Lô 05 thuộc phần trung tâm của bể Nam Côn Sơn, cách TP Vũng Tàu 265km. Vào tháng 8/1973, Công ty Mobil Oil của Mỹ đã được chính quyền Sài Gòn cũ chọn thầu và tiến hành các hoạt động dầu khí tại đây. Mobil đã đưa các công ty địa vật lý vào tiến hành khảo sát chi tiết về địa chấn, trọng trường và từ trường để nghiên cứu cấu trúc địa chất, tìm các cấu tạo và xác định những địa điểm sẽ khoan và tiến hành khoan thăm dò giếng Đại Hùng 1X vào ngày 10/3/1975.

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Vĩnh, nguyên là Trưởng nhóm phụ trách tại Cuộc Dầu hỏa của Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản (chính quyền Sài Gòn cũ) kể lại thì ông Peter Gelpke, Tổng Giám đốc Mobil định đặt tên giếng là Big Bear (Gấu Lớn), sau đó được ông Vĩnh khuyên nên chuyển sang tên Việt Nam là Đại Hùng. Cái tên này ra đời từ đó và tồn tại đến nay. Giếng khoan Đại Hùng 1X được khoan với độ sâu dự kiến là 3.871m nhưng đã kết thúc sớm ở 1.819m khi chưa đạt tới chiều sâu dự kiến của tầng trầm tích có khả năng chứa dầu khí.


Cụm mỏ Đại Hùng

Chiến thắng lịch sử 30/4/1975 đã giải phóng miền Nam, đất nước ta bước vào thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh với chồng chất gian nan, kinh tế khó khăn và bị bao vây cấm vận. Căn cứ vào những tài liệu thu thập được về tài nguyên dầu khí từ chính quyền cũ, Đảng và Chính phủ ta đã quyết tâm phát triển ngành dầu khí, đặt mục tiêu năm 1980-1981 phải bắt đầu khai thác dầu ở thềm lục địa Nam Việt Nam và tới năm 1985, Nhà nước phải có trong tay 1.520 triệu tấn dầu thô. Nhiều đoàn cán bộ của ta đã được cử đi khắp thế giới để học hỏi, tìm kiếm sự trợ giúp trong thời gian này.

Đảng và Chính phủ không những đã thành lập các tổ chức chuyên sâu về dầu khí, mà còn vạch phương hướng và chỉ đạo từng bước đi rất cụ thể như “Tổng công trình sư” của một đề án mang tầm vóc quyết định sự hưng thịnh của đất nước. Ngày 3/9/1975, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (Petrovietnam) được thành lập và cho phép thảo luận với các công ty nước ngoài trên 810 lô ở thềm lục địa Nam Việt Nam trên cơ sở bản Kế hoạch triển khai thăm dò dầu mỏ và khí đốt được Bộ Chính trị phê chuẩn. Tổng cục đã tiếp xúc với rất nhiều công ty và Nhà nước Pháp, Ấn Độ, Hà Lan, Đức, Australia, Canada, Na Uy, Italia, Nhật Bản, Mexico, Anh… (chưa tiếp xúc với các công ty Mỹ do cấm vận).

Ông Đỗ Văn Hà, nguyên Trưởng ban Hợp tác Quốc tế của Petrovietnam, kể lại: “Việc hợp tác với các công ty dầu khí phương Tây vào đầu tư tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là một vấn đề mới, trong bối cảnh đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, quản lý mang nặng dấu ấn “tự lực tự chủ” khép kín, đầy sự hoài nghi khi giao tiếp với nước ngoài. Chính vì vậy, lãnh đạo Tổng cục rất chú trọng việc nghiên cứu cặn kẽ để trình xin chủ trương của Đảng, Chính phủ về lựa chọn đối tác hợp tác, về hình thức hợp tác và về nội dung cơ bản của hợp đồng dầu khí”.

Được biết, vào thời gian đó, điểm gay cấn và nhạy cảm nhất trong hợp đồng dầu khí là điều kiện phân chia quyền lợi kinh tế giữa chủ tài nguyên và người đầu tư, vì hầu như các chuyên gia của ta đều còn rất bỡ ngỡ với các lý thuyết kinh tế của phương Tây.

Kiểu hợp đồng chia sản phẩm (Production Sharing Contract - PSC) được Indonesia đề xuất năm 1967. Vì sự linh hoạt của nó đối với các thể chế chính trị và hệ thống luật pháp, nhiều nước đã áp dụng và phát triển hình thức hợp đồng này. Đối với các nước không mạnh về tiềm lực tài chính mà tiềm năng dầu khí không lớn hoặc chưa rõ (như Việt Nam), hợp đồng “chia sản phẩm” thích hợp với nước chủ nhà vì trong giai đoạn tìm kiếm, thăm dò (rủi ro cao) không phải bỏ tiền đầu tư. Các nhà thầu nước ngoài phải bỏ tiền và chịu rủi ro trong giai đoạn tìm kiếm, thăm dò (có thể mất trắng), nhưng khi thành công phát hiện ra mỏ và khai thác thì được thu hồi toàn bộ chi phí đã bỏ ra và còn được chia một phần “dầu lãi”.

Xét tổng thể, thì hình thức hợp đồng không quyết định quyền lợi kinh tế, vì nhà đầu tư chú ý nhiều đến tiêu chí “tỷ suất doanh lợi đầu tư”, còn chủ tài nguyên quan tâm đến phần dầu thu được từ mỏ cho quốc gia. Một điểm mấu chốt của hợp đồng dạng này là giai đoạn thăm dò thường kéo dài khoảng 5 năm, phía nhà thầu có trách nhiệm thực hiện toàn bộ cam kết công việc và tài chính, phải gánh chịu phần chi phí của nước chủ nhà, nếu tìm thấy dầu khí thì các chi phí đó được thu hồi và nước chủ nhà mới chính thức bắt đầu góp vốn.

Lãnh đạo và các chuyên gia của Petrovietnam đã rất “vất vả” để thuyết phục và bảo vệ quan điểm của mình. Cuối cùng, một giải pháp trung gian, dung hòa được Chính phủ chấp nhận là dạng hợp đồng hỗn hợp giữa “chia sản phẩm” và “dịch vụ” được áp dụng cho các hợp đồng dầu khí. Cũng cần nói thêm rằng, loại hợp đồng “dịch vụ” có lợi cho chủ tài nguyên, còn các công ty dầu khí phải đi làm thuê nên họ mất vị thế độc quyền kỹ thuật công nghệ để thu lợi nhuận lớn.

Ngày 29/12/1977, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 30CT/TW quyết định một số chủ trương nhằm đẩy mạnh công tác dầu mỏ và khí đốt. Trong đó, nhiều quan điểm, nhiều mục tiêu vẫn còn nguyên tính thời sự cho đến ngày nay, ví dụ: “Vấn đề hợp tác với nước ngoài và tự lực khai thác dầu khí: Về lâu dài ta phải tiến tới tự lực. Nhưng hiện nay do khó khăn về vốn, kỹ thuật, quản lý… nên ta phải chủ động tranh thủ hợp tác với nước ngoài. Ngay từ bây giờ ta thuê dịch vụ để tự mình triển khai thăm dò và khai thác vài điểm trên đất liền và ở thềm lục địa. Phải ra sức đào tạo nguồn nhân lực. Tổng cục Dầu khí phải sớm có một đề án toàn diện về tự lực”.

Trong năm 1978, Petrovietnam đã ký các hợp đồng chia sản phẩm với Công ty Deminex (CHLB Đức) ở Lô 15, Công ty Agip thuộc Tập đoàn ENI (Italia) ở Lô 04, 12 và Công ty Bow Valley (Canada) trên các lô 28, 29 thềm lục địa Việt Nam.

Những năm sau đó, nhiều hợp đồng dầu khí với nước ngoài được ký kết, nhiều sự kiện quan trọng về tổ chức xảy ra đối với ngành dầu khí, nhiều hoạt động dầu khí được triển khai ở các vùng trong cả nước, tuy nhiên, trong số tất cả những sự kiện đó, không ai nhắc đến cái tên Đại Hùng. Tiềm năng dầu khí nơi đây tưởng chừng đã bị lãng quên...

Rất nhiều người cho rằng dầu khí sẵn dưới lòng đất, chỉ việc múc lên là có tiền. Câu chuyện sau đây về số phận Đại Hùng sẽ là lời đáp thỏa đáng nhất cho tư duy kiểu võ đoán này.

(còn tiếp) 
Nguyễn Tiến Dũng


Bình luận
Họ tên
Email
Mã xác nhận
 
 

Liên kết
Fanpage

​​​​​​​